Điều này được kỳ vọng là sẽ góp phần tăng nguồn thu của chính phủ và tạo nguồn đầu tư vào các dự án phát triển.
Giai đoạn 1 thành công
Chương trình kéo dài 9 tháng (7/2016 - 3/2017) và được cho là sẽ mang lại ít nhất ba lợi ích cho quốc gia, giúp tăng tốc phát triển trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; nâng cao sức mua; hỗ trợ phát triển kinh tế quốc gia trong tương lai.
Đến nay, chương trình đã vượt qua giai đoạn đầu tiên quan trọng và được đánh giá là một trong những chương trình ân xá thuế thành công nhất trên thế giới. Tính đến ngày 30/9 kết thúc giai đoạn 1, số tiền thu được đã đạt 97.200 tỷ Rupiah (khoảng 7,5 tỷ USD), đạt gần 59% mục tiêu đề ra là 165.000 tỷ Rupiah. Tuy nhiên, nguồn tiền kêu gọi về đầu tư chỉ đạt gần 137.000 tỷ Rupiah (tương đương 10,5 tỷ USD), so với mục tiêu là 1.000 nghìn tỷ Rupiah thì chỉ đạt 13,6%. Tỷ lệ này tuy nhỏ nhưng cũng góp phần đưa các chỉ số kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực. Dự trữ ngoại hối đạt 113,5 tỷ đô la Mỹ, đồng Rupiah đã mạnh lên. Đồng thời, chỉ số thị trường chứng khoán cũng tăng cao và đã phá vỡ kỷ lục về tần số giao dịch.
Một nhân viên chính phủ hỗ trợ người tham gia chương trình ân xá thuế ở Jakarta. Ảnh: Reuters |
Chính sách ân xá thuế được đánh giá là hợp lý khi đặt lợi ích chung cao hơn, thông qua việc tha thứ cho hành vi trốn thuế trong quá khứ và bắt đầu một giai đoạn mới của một hệ thống thuế công bằng. Thành công của chương trình cũng là một bằng chứng về lòng tin của người dân Indonesia đối với chính phủ Indonesia.
Mặt trái cần điều chỉnh
Tuy nhiên, sau giai đoạn 1 triển khai, ngoài những thành công, chương trình cũng đang tồn tại những mặt trái buộc Indonesia có những điều chỉnh để giai đoạn thứ 2 được triển khai mang lại hiệu quả cao hơn.
Thống kê cho thấy việc tuân thủ thuế của Indonesia vẫn còn dưới mức trung bình và còn xa so với tiềm năng. Tỷ lệ thu thuế ở Indonesia đạt thấp nhất trong các nước ASEAN, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp của Indonesia đã đăng ký nộp thuế. Khoảng 2.000 công ty đầu tư nước ngoài không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng qui định trong vòng 10 năm qua. Trong số 1,2 triệu công ty trong nước thì chỉ chưa đến một nửa có tờ khai thuế đã nộp. Số thuế đã bị trốn quá lớn nên việc truy thu chúng dù sử dụng đến chính sách ân xá cũng sẽ vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, mức thuế ưu đãi chỉ áp cho khoản tiền chưa kê khai trước đây trong khi thu nhập sau này sẽ phải chịu thuế ở mức 30%, gây nhiều lo ngại cho giới doanh nhân. Mặt khác, chương trình kêu gọi đầu tư, nhưng quy định nguồn vốn đầu tư sẽ phải được giữ ở trong nước ít nhất 3 năm. Trong khi đó, Indonesia còn thiếu các sản phẩm đầu tư hấp dẫn, thiếu các địa chỉ để đầu tư thỏa đáng như các ngân hàng hay là các ngành công nghiệp, tài chính. Các chuyên gia về ngân hàng thì cho rằng việc thiếu các công cụ định giá bằng USD cũng cản trở sự hồi hương của nguồn tiền. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn thiếu thông tin về ân xá thuế, về những qui định, lợi ích nên còn dè dặt và chưa tin tưởng tham gia chương trình.
Bộ Tài chính Indonesia đã nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người muốn tham gia chương trình. Hiện nay, các doanh nhân có thể khai báo tài sản còn ẩn giấu trực tiếp tại sàn chứng khoán địa phương thay vì trước đây phải đến cơ quan thuế. Ngoài thị trường chứng khoán Indonesia (IDX), chính phủ cũng cho phép người dân sử dụng các Ngân hàng Mandiri, Ngân hàng Rakyat Indonesia và Ngân hàng quốc gia Indonesia là những lựa chọn thay thế để khai báo tài sản và nộp thuế.
Với những điều chỉnh để tạo đà cho giai đoạn triển khai tiếp theo, chương trình được kỳ vọng sau 9 tháng triển khai sẽ thực sự mang lại nguồn lực giúp đạt được các mục tiêu của chính phủ, đồng thời sẽ tác động tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới có những bước phát triển mới.