Cả một mùa hè nắng nóng kỷ lục tại thủ đô New Delhi, hàng chục nghìn người dân buộc phải cắt giảm việc vệ sinh cá nhân và giặt giũ hàng ngày vì tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Thậm chí, khủng hoảng nước đã dẫn tới nhiều vụ ẩu đả tại một vài khu vực, khiến 3 người thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Narendra Modi thông báo Ấn Độ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước dài hạn tồi tệ nhất trong lịch sử.
“Chúng ta đang trong tình trạng khan hiếm nghiêm trọng và cần phải thay đổi phương án đối phó với khủng hoảng, không thì tình hình sẽ tồi tệ đến mức tình trạng thiếu nước sẽ khiến GDP quốc gia giảm 6% trong 10 năm”, Avinash Mishra – chuyên gia cố vấn tại viện nghiên cứu Niti Aayog trả lời phỏng vấn của Reuters.
Lượng tiêu thụ nước Ấn Độ ước tính sẽ chạm mốc 843 tỷ m3 tính đến năm 2025, trong khi đó lượng cung nước hiện giờ chỉ có 695 tỷ mét khối. Gần như mọi lĩnh vực kinh tế của Ấn Độ đều phụ thuộc vào nguồn nước, đặc biệt là ngành nông nghiệp nuôi sống 2/3 trong tổng số 1,3 tỷ dân.
Thành phố New Delhi, hiện có 20 triệu dân, là một địa điểm điển hình chịu hậu quả từ khủng hoảng nước quốc gia. Nhiệt độ mùa hè tăng cao tới 45 độ C, máy nước thì khô hạn trong khi mực nước ngầm thì giảm mạnh. Báo cáo của viện Niti Aayog cảnh báo, cả New Delhi và Bengaluru – thung lũng Silicon của châu Á – đến năm 2020 sẽ cạn sạch nước ngầm.
Tình trạng thiếu nước dẫn tơi các màn tranh giành và ẩu đả nhau khi người dân lấy nước từ các xe bồn của chính phủ các khu vực ngày một diễn ra thường xuyên.
Trong một sự cố tại thị trấn Wazirpur phía Tây Bắc New Delhi, ông Lal Bahadur (60 tuổi) đã thiệt mạng sau một vụ ẩu đả với người hàng xóm tranh nước vào hồi tháng 3. Con trai ông, Rahul 18 tuổi, cũng bị chấn thương nặng trong vụ ẩu đả và tử vong một tháng sau đó tại bệnh viện.
“Tôi mất chồng và con trai vì một nhu yếu phẩm như nước”, bà Sushila Devi ngấn lệ, “những kẻ giết người được tự do sau khi đóng tiền bảo lãnh, còn tôi không có gì để theo đuổi vụ kiện”.
Đầu tháng 6, Kishan Bhadana, 45 tuổi, em trai của một chính trị gia địa phương, đã bị bắn chết sau một vụ tranh cãi liên quan đến việc đặt đường ống dẫn nước tại huyện Sangam Vihar.
Một doanh nhân ở Vasant Kunj, sống dưới chân dãy núi Aravali, đang có kế hoạch vứt bỏ trang trại rộng hơn 1 hecta bởi ông thấy khó khăn vì không có nước duy trì mảnh đất của mình.
Các quan chức Chính phủ Ấn Độ thừa nhận rằng nguồn cung nước đang bị thiếu hụt nghiêm trọng ở New Delhi, với một khu vực đông dân cư như Sangam Vihar, người dân chỉ nhận được 30-40 lít/người mỗi ngày so với yêu cầu tiêu chuẩn là 150 lít.
Trong khi đó, chính quyền thành phố đảm bảo nguồn cung cấp nước cho khu vực trung tâm ít dân tại thủ đô New Delhi - nơi sinh sống của các bộ trưởng và quan chức cấp cao, vẫn ở mức 375 lít/người/ngày, cao hơn mức trung bình khá nhiều.