Theo thông cáo, ngày 3/5 là một ngày quan trọng đối với tất cả những người Ba Lan. Đây là ngày đất nước Ba Lan kỷ niệm việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Ba Lan, cũng như của Châu Âu vào năm 1791. Năm 2016 cũng là một năm đặc biệt trong lịch sử vì Ba Lan kỷ niệm 1050 năm dựng nước và 66 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Thông cáo báo chí đã điểm lại lịch sử nước Ba Lan từ năm 996 - năm ra đời của dân tộc Ba Lan. Năm 996 chính xác là thời điểm mà các ký ức lịch sử của người Ba Lan bắt đầu được hình thành và lần đầu tiên cái tên của đất nước này xuất hiện trong các cuốn sách của các sử gia Trung cổ. Trước đó, những ghi chép về Ba Lan chỉ là các chuyện tưởng tượng chưa được kiểm chứng - chẳng hạn như chuyện về Lech, người Cha huyền thoại của tất cả người Ba Lan; Vua Popiel (người bị chuột ăn thịt); hay Piast.
Đất nước Ba Lan xinh đẹp. |
Giai đoạn khoảng 150 năm kể từ đầu thế kỷ 16 đến những thập niên đầu tiên của thế kỷ 17 đã đi vào lịch sử với tên gọi “Thời kỳ Vàng của Ba Lan”. Hệ thống chính trị của đất nước đã phát triển thành một chế độ dân chủ sớm và trở thành một trong những quốc gia đa văn hóa đầu tiên trong lịch sử.
Vào giữa thế kỷ 17, hệ thống chính trị khổng lồ này bắt đầu suy yếu. Chính sách lợi dụng các cuộc xung đột nội bộ để duy trì sự bất ổn trong nước của các nước láng giềng gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sự tồn tại của Ba Lan. Giải pháp duy nhất cho nhà nước Ba Lan là phải tiến hành những cải cách cơ bản. Nỗ lực cuối cùng trong việc tiến hành những cải cách cần thiết cho đất nước chính là việc thông qua Hiến pháp ngày mồng 3/5/1791. Đó là Hiến pháp đầu tiên ở Châu Âu và là Hiến pháp thứ hai sau Mỹ.
Tuy nhiên, sự kiện quan trọng này cũng không cứu được nền độc lập của Ba Lan. Vài năm sau, Ba Lan biến mất khỏi bản đồ thế giới trong suốt 123 năm. Sự bùng nổ của Thế Chiến I và hệ quả là những thay đổi quan trọng trong bản đồ chính trị Châu Âu chính là thời khắc mà người Ba Lan đã chờ đợi từ lâu. Đất nước Ba Lan đã giành lại được độc lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1918.
Lịch sử đóng một vai trò quan trọng đối với quốc gia Ba Lan. Nó là một trong những yếu tố của sự toàn vẹn. Tuy nhiên, Ba Lan sống vì tương lai và tiến hành những chính sách đối ngoại thực tế, tập trung vào hòa hình và ổn định, cũng như mang lại môi trường cho một nền kinh tế thịnh vượng. Nền kinh tế Ba Lan vẫn đang phát triển và trở thành nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới.
Xuất khẩu của Ba Lan đạt tới giá trị cao nhất trong lịch sử. Ba Lan, đất nước nằm ngay ở trung tâm châu Âu chính là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực này. Các chuyên gia Việt Nam có thể tận dụng những kinh nghiệm của Ba Lan trong chuyển đổi nền kinh tế để tiếp tục phát triển nền kinh tế của đất nước mình.
Trong vòng 25 năm, Ba Lan đã từ một đất nước có thu nhập trung bình và dựa vào lao động giá rẻ, trở thành một nền kinh tế dựa trên tri thức - hơn 90% người trưởng thành Ba Lan tốt nghiệp trung học, trong khi tỉ lệ trung bình của OECD là 75%. Về mặt kinh tế, GDP của Ba Lan năm 2015 đã tăng lên 3,6% và là một trong những nước có GDP cao nhất trong Liên minh Châu Âu. Cũng trong năm ngoái, thương mại giữa Ba Lan với Việt Nam đã tăng 17%.
Việc chia sẻ văn học và âm nhạc giữa hai quốc gia Ba Lan - Việt Nam đã tạo môi trường tốt đẹp cho mối liên kết giữa con người với nhau. Một bằng chứng của mối quan hệ này chính là cộng đồng đông đảo người Việt ở Ba Lan - hiện có hơn 40.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Ba Lan, đóng góp cho sự phát triển của đất nước này. Điều này cho thấy một tương lai tươi sáng của mối quan hệ Ba Lan và Việt Nam.