Tối tối, ông Hunter Halder lại “cưỡi” xe đạp đi một vòng quanh các nhà hàng dọc đại lộ Conde de Valbom ở trung tâm thủ đô Lixbon của Bồ Đào Nha. Công việc của ông là thu hồi thức ăn dư thừa ở các nhà hàng để phân phát cho những người nghèo.
Ông Hunter Halder xếp các hộp thức ăn lên xe đạp để đem phân phát cho người nghèo ở Lixbon. |
Hình ảnh ông già đạp chiếc xe đạp màu xanh da trời với hai cái rổ sắt to tướng, một ở đằng trước và một ở đằng sau xe, đã trở nên quen thuộc với người dân ở khu phố sung túc Conde de Valbom. Khi ông ghé vào các quán ăn, nhà hàng, mọi thứ đã sẵn sàng: Những chiếc hộp nhựa đựng đầy khoai tây, cơm, súp, thịt, mì hột xếp thành hàng trên quầy. Ông Halder xếp những chiếc hộp thức ăn đó vào hai rổ sắt trên xe đạp, để lại nhà hàng vài cái hộp không để ngày mai quay lại lấy thức ăn, rồi xoay một vòng chào mọi người trong nhà hàng trước khi leo lên xe.
Sau một vòng “ghé thăm” các nhà hàng, ông Halder tiếp tục công việc. Lái chiếc ô tô do một người tình nguyện cho mượn, ông chở thức ăn đến một bãi đỗ xe ở ngoại ô thành phố. Ở đó đã có khoảng hai chục người đang đợi ông. Những hộp thức ăn được dỡ xuống và chuyền đến tay từng người.
“Ngay cả khi các nhà hàng đã ước lượng rất chi tiết lượng thức ăn có thể bán được mỗi ngày thì thế nào cũng còn thừa một ít. Chừng đó đối với những người nghèo khó như chúng tôi cũng đã là nhiều”, ông già người Mỹ định cư ở Bồ Đào Nha 20 năm nay vừa hấp háy đôi mắt xanh nước biển vừa cho biết về lí do ra đời hiệp hội Re-food mà ông là người khởi xướng hồi tháng 3 vừa qua. Ông kể : “Lúc bắt đầu dự án này, tôi chỉ có một mình. Nhưng sau đó, sự nhiệt tình của tôi đã được nhiều người hưởng ứng. Hiện nay, có khoảng 80 người và khoảng 30 nhà hàng ủng hộ ý tưởng của Re-food”.
Với Re-food, mục tiêu mà ông Halder hướng tới là biến thủ đô của Bồ Đào Nha trở thành thành thành phố đầu tiên trên thế giới không lãng phí thức ăn và xa hơn nữa là mở rộng mạng lưới Re-food ra toàn cầu.
Mỗi ngày, ông Hunter có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 100 người. Ông khiêm tốn cho rằng, “công việc này của tôi không có ảnh hưởng lớn và ai cũng có thể làm được”, nhưng bà Celeste Castanho - 55 tuổi, vừa bệnh tật vừa không có việc làm đã thốt lên: “Không có ông Hunter, có lẽ tôi đã không sống nổi. Trước khi biết ông ấy, tôi đã trải qua nhiều ngày bụng lép kẹp”. Cô Alexandra Silva, người tự nguyện cho ông Hunter mượn một căn phòng nhỏ làm trụ sở của Re-food, cũng cho rằng: “Việc làm của ông Hunter có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong thời khủng hoảng như thế này. Những người khác nên học tập ông Hunter”.
Tháng trước, Re-food của ông Halder đã đoạt giải Dự án tình nguyện tốt nhất trong một cuộc thi do Ngân hàng Montepio tổ chức và nhận được phần thưởng 25.000 euro.
Ông Halder từng có một cuộc sống sung túc với vai trò chuyên gia cố vấn. Sau nhiều năm hành nghề, ông đã bị mất việc. Nhưng “Chưa bao giờ tôi rơi vào tình trạng cháy túi như bây giờ. Cũng chưa bao giờ tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đạt được thành công trong công việc và giúp đỡ được nhiều người như lúc này”, nói rồi ông Halder phá lên cười đầy sảng khoái.
Minh Khuê