Giá bán dâm ở Hy Lạp bị cuộc khủng hoảng nợ đẩy xuống thấp. |
Theo một nghiên cứu được thực hiện sau khoảng thời gian ba năm thu thập dữ liệu của trên 17.000 người hoạt động trong lĩnh vực bán dâm, sâu gần 6 năm khủng hoảng, giá bán dâm ở Hy Lạp đã giảm mạnh, đẩy những phụ nữ ở Trung và Đông Âu từng chiếm lĩnh ngành công nghiệp này ra khỏi thị trường.
Trước khi cuộc khủng hoảng ập đến đất nước của những vị thần, mức giá bán dâm trung bình vào khoảng 53 USD (khoảng 1,2 triệu đồng). Tuy nhiên, mức giá này giờ đây đã giảm xuống còn 2,12 USD cho 30 phút dịch vụ. Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp đang tiến đến mức 60% tại Hy Lạp, ngày càng nhiều phụ nữ nước này gia nhập ngành công nghiệp bán dâm, mang lại khoảng 6 triệu USD hàng năm.
Giáo sư xã hội học Gregory Lazos tại trường Đại học Panteion ở Athens và là trưởng nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết: “Một số phụ nữ chỉ làm việc này để mua bánh phô mai, hoặc một chiếc bánh sandwich họ cần ăn vì đói. Số khác hành nghề để trả tiền thuế, hóa đơn, cho các khoản chi khẩn cấp…”.
Theo vị giáo sư có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, bao gồm hai tập sách đề cập đến nghề mại dâm ở Hy Lạp, con số những người hoạt động trong lĩnh vực tình dục sống trong điều kiện có nhiều rủi ro dường như đang tăng lên với nhịp độ ổn định. Phụ nữ Hy Lạp giờ đây chiếm 80% số người hoạt động trong lĩnh vực này.
Nguyên nhân giá của loại hình dịch vụ này rớt xuống không chỉ riêng tại Hy Lạp mà trên toàn thế giới đến từ việc mạng Internet cho phép người dùng truy cập các nội dung trước đây khó tiếp cận. Tuy nhiên, trong khi mức giá trung bình của một giờ dịch vụ ở châu Âu là 271 USD thì mức giá ở Hy Lạp thấp hơn 50 lần.
Mặc dù hoạt động mại dâm được hợp pháp hóa ở Hy lạp nhưng chỉ 10 “lầu xanh” ở quốc gia này có giấy phép hành nghề. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều phụ nữ lựa chọn giải pháp đứng đường hoặc hoạt động ở những khu ổ chuột. Giáo sư Lazos kết luận, các cơ quan chức năng của nhà nước, cảnh sát và quan chức y tế phải hành động thay vì tiếp tục thể hiện thái độ thờ lơ, lãnh đạm.
Hy Lạp vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính kể từ cuối năm 2009. Sau nhiều vòng đàm phán, chính phủ Hy lạp đã đưa ra một loạt biện pháp khắc khổ để được nhận các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, những biện pháp khắc khổ này đã trở thành những đòn đánh mạnh giáng vào những khu vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế.