Từ thế kỷ 19, báo chí Nhật Bản đã có một lượng độc giả hùng hậu với số lượng trí thức và những người biết đọc biết viết chiếm tỷ lệ cao trong xã hội.
Bề dày văn hóa đọc là cơ sở để báo in tiếp tục duy trì một chỗ đứng vững chắc ở Nhật Bản, bất chấp những đổi thay vũ bão của báo chí thế giới. |
Tính đến nay, Nhật Bản có tổng cộng 34 đầu báo lớn ở cả trung ương và địa phương với số lượng từ 300.000 đến gần 10 triệu bản trong khi các đầu báo và tạp chí với số lượng ấn bản dưới 100.000 bản/ngày nhiều không kể xiết. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực báo giấy cũng diễn ra hết sức gay gắt và môi trường cạnh tranh giữa các tờ báo ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka gay gắt hơn so với ở địa phương do phải phân chia thị phần giữa các “đại gia” lớn.
Tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt
Do báo chí ở Nhật Bản cũng là một loại hình kinh doanh nên lợi nhuận và doanh số là yếu tố mang tính sống còn đối với tờ báo. Sự thay đổi về chất lượng và nội dung phục vụ thị hiếu của bạn đọc là yêu cầu bắt buộc đối với một tờ báo muốn tồn tại trong môi trường đầy cạnh tranh khốc liệt như ở Nhật Bản. Các tờ báo luôn phải thay đổi nội dung hướng đến khai thác các thông tin mới và duy nhất theo hướng “độc” và lạ.
Về điểm này có thể kể đến kinh nghiệm của tờ báo lớn nhất Nhật Bản “Yomiuri”. Tờ báo đã thể hiện được thế mạnh vượt trội với số lượng chỉ 314 phóng viên trong và ngoài nước. Các thông tin Yomiuri đưa ra thường sớm nhất và có những tin chỉ duy nhất Yomiuri có nguồn khai thác như các tiết lộ chấn động của quan chức Nhật Bản, phóng sự điều tra về một vụ bê bối hay thông tin mới về Triều Tiên. Bên cạnh báo viết, tờ báo này còn cho ấn hành những tạp chí và sách chuyên đề phục vụ thị hiếu của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Với 1.920 máy in đặt tại 29 xưởng in trên toàn quốc, tờ báo này gần như giữ vai trò thống trị ngành báo in của Nhật Bản.
Bên cạnh Yomiuri, các tờ báo Asahi, Mainichi và Nikkei cũng thường xuyên phải thay đổi “khẩu vị” cho bạn đọc bằng những bài viết và tin tức nhanh, hấp dẫn để tăng tính cạnh tranh. Tuy có số lượng báo in ấn hành đứng thứ 5 ở Nhật Bản nhưng Nikkei Shimbun đang tấn công mạnh vào các trang tin điện tử nhờ thế mạnh với các thông tin về lĩnh vực kinh tế. Hầu hết các tờ báo lớn đều triển khai song song các ấn bản điện tử và báo in như là một sự chuẩn bị cho xu thế của thời đại. Trong khi Asahi, Nikkei và Mainichi bắt đầu thu phí thành viên đối với các tin tức quan trọng thì Yomiuri vẫn cung cấp miễn phí cho bạn đọc trên trang điện tử.
Tất cả các xu thế đều tồn tại song hành trong môi trường truyền thông ở Nhật Bản. Tuy nhiên, dẫu xu thế có thay đổi ra sao thì đến nay, báo in vẫn chiếm vị trí số 1 ở Nhật Bản. Lý do chủ yếu là đối tượng độc giả ở Nhật Bản có sự phân chia khá rõ rệt theo hai khuynh hướng, một bên là những người trẻ tuổi và năng động ưa dùng các phương tiện hiện đại như các thiết bị di động (máy tính xách tay, điện thoại thông minh) để theo dõi tin tức, trong khi một bên là số lượng đông đảo những người trung niên và lớn tuổi quen sử dụng những tờ báo và tạp chí dưới dạng ấn bản.
Một xã hội với người già chiếm một tỷ lệ ngày càng cao như ở Nhật Bản, thói quen đọc báo in dường như vẫn có cơ hội để tiếp tục tồn tại. Người ta vẫn thường xuyên bắt gặp trên tàu điện những công chức hết giờ làm việc, học sinh hay người cao tuổi cầm trên tay những tờ báo và cuốn sách đọc và tra cứu thông tin bên cạnh một số lượng lớn người sử dụng điện thoại.
Tuy công nghệ liên tục thay đổi và hình thức truyền tải thông tin dưới dạng số hóa sẽ thay thế dần các bản in nhưng thói quen đọc sách báo, tra cứu trực tiếp và ghi chép của người Nhật có lẽ còn tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Lý do là vì nhiều người dân xứ sở Mặt trời mọc vẫn luôn tin rằng sự hiện hữu của tri thức dưới dạng văn bản luôn được trân trọng như một giá trị bất biến.
Bài và ảnh: Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)