Đức đang phải "chiến đấu" với một hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến tại nước này. Đó là căn bệnh "làm việc đến kiệt sức" (hay "cháy hết mình vì công việc") mỗi năm lấy đi của nền kinh tế Đức hàng tỷ euro.
Nhiều người Đức đang “làm việc đến kiệt sức”. Ảnh: Internet
|
Theo số liệu công bố năm 2011 của Viện Nghiên cứu kinh tế về bảo hiểm sức khỏe khu vực công (WIdO) của Đức, các căn bệnh về tâm lý đang ngày càng gia tăng trong lực lượng lao động của nước này. Theo viện trên, 1/10 ngày nghỉ ốm của người lao động Đức là có liên quan đến các chứng bệnh về tâm lý, và trong giai đoạn từ 2004 - 2010, số ngày mệt mỏi liên quan đến các bệnh tâm lý đã tăng gấp 9 lần.
Bộ trưởng Bộ Lao động Đức Ursula Von der Leyen cho biết, chứng bệnh “làm việc đến kiệt sức” đã lấy đi của các doanh nghiệp nước này 8 - 10 tỷ euro (10,5 - 13,1 tỷ USD) mỗi năm vì hiệu suất lao động sụt giảm.
"Không gì lãng phí hơn việc để những nhân viên tốt phải về nghỉ hưu ở độ tuổi giữa 40 chỉ bởi vì họ đã cạn kiệt sức lực vì làm việc quá sức. Quan trọng hơn, đây không còn là những trường hợp cá biệt nữa mà đã trở thành một xu hướng mà chúng ta cần phải hành động ngay để ngăn chặn", Bộ trưởng Von der Leyen nói. Bà cho rằng, nếu như trước đây, trọng tâm của các kế hoạch bảo hộ lao động là sức khỏe về thể lực của người lao động thì kể từ năm 2013 tới, mục tiêu mới là lấy sức khỏe tinh thần là ưu tiên hàng đầu.
Khi được hỏi những nhân tố nào dẫn đến việc người lao động dễ bị ốm đau bệnh tật, bà Von der Leyen đã nêu ra một loạt nguyên nhân khác nhau, từ sự đơn điệu trong công việc, áp lực về thời gian, sự quản lý yếu kém, thiếu đoàn kết giữa các nhân viên, cho đến bầu không khí kém thân thiện nơi làm việc, hay việc phải nhận và trả lời những cú điện thoại hoặc email liên quan đến công việc ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi của họ.
Theo Liên đoàn lao động IG Metall của Đức, cần phải có những quy định cụ thể và bắt buộc để bảo vệ sức khỏe tinh thần của người lao động tại nơi làm việc. Theo ước tính của IG Metall, chi phí cho sức khỏe từ tình trạng làm việc đến cạn kiệt sức lực hiện đã lên tới 27 tỷ euro/năm ở Đức. "Trong khi ai cũng nói về việc làm việc đến kiệt sức thì trớ trêu thay, không một hãng nào, hay một nhà hoạch định chính sách nào nói về điều này", thành viên hội đồng quản trị của IG Metall, Hans-Juergen Urban, phát biểu.
Theo công ty bảo hiểm sức khỏe công AOK, hội chứng làm việc kiệt lực là một loại bệnh cần phải được xem trọng và nó có thể dẫn đến những biến chứng trầm trọng, như chứng loạn nhịp tim hay các vấn đề về hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn có thể dẫn tới căn bệnh trầm cảm, trong đó người ta dễ có những suy nghĩ đến chuyện tự vẫn. Theo AOK, đây không chỉ đơn thuần là một loại bệnh "thời thượng" mà nó đã lan nhiễm tới khoảng 10% lực lượng lao động kể từ những năm 1960 và 1970. Dự đoán trong những năm tới, tỷ lệ mắc căn bệnh này sẽ còn tăng lên đến khoảng 1/4 lực lượng lao động.
Hiện tượng này rõ ràng cũng đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông trong những năm gần đây, trong đó, riêng tạp chí tuần Der Spiegel của Đức đã có hai bài viết về vấn đề này trong năm ngoái, trong khi Tổ chức vì Ngôn ngữ Đức đã xếp cụm từ "làm việc kiệt lực" đứng thứ 6 trong danh sách thường niên "Những từ được nói đến nhiều nhất trong năm" của họ.
TKT