Theo trang Oddity Central (Anh), 12 năm trước, khi bà Lynley Hood, một nhà văn từng đoạt giải thưởng sống tại thành phố Dunedin (New Zealand), đang đọc sách thì mắt trái của bà đột nhiên mờ đi. Chỉ nghĩ rằng do quá mệt mỏi, bà Lynley đã quyết định đi nghỉ ngơi. Nhưng sáng hôm sau, bà vẫn không thể nhìn rõ mọi thứ.
Sau khi đến bệnh viện, bà Lynley được chẩn đoán mắc một dạng bệnh tăng nhãn áp khá hiếm gặp. Bác sĩ nói rằng tình trạng này có thể không bao giờ cải thiện và vấn đề hiện tại là bà cần duy trì tình trạng không tiến triển. Thời gian trôi đi, thị lực của bà suy giảm đến nỗi không đọc và viết được do bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, phép màu tình cờ đã xảy đến.
Năm 2020, bà Lynley bị ngã, gãy xương chậu và đau lưng dữ dội. Song căn bệnh này lại mang đến cho bà cơ hội tham gia vào dự án nghiên cứu điều trị đau mãn tính của Đại học Otago. Chỉ hy vọng việc điều trị sẽ giúp giảm bớt cơn đau kinh niên bằng cách nào đó, bà Lynley không ngờ rằng phương pháp điều trị bằng kích thích xung điện có hiệu quả tốt đáng kinh ngạc.
Theo đó, dự án mà bà Lynley đăng ký hồi năm ngoái được chia thành 2 nhóm. Các bệnh nhân sẽ cùng tham gia vào các buổi kích thích bằng xung điện. Họ được yêu cầu đội một chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt có gắn các điện cực. Trong khi được kích thích xung điện lên não, nhóm dùng giả dược chỉ nhận được sự kích thích bề ngoài ở mức độ da đầu.
Bà Lynley thuộc nhóm dùng giả dược, nhưng sau 4 tuần kích thích điện, thị lực của bà đã phục hồi gần như 100%. Điều đó đã khiến bác sĩ nhãn khoa điều trị cho bà Lynley không khỏi kinh ngạc.
Tiến sĩ Divya Adhia, đồng nghiên cứu dự án, nói với tờ Otago Daily Times: “Thật đáng ngạc nhiên, thị lực của bà Lynley đã cải thiện đáng kể, đến nỗi bác sĩ nhãn khoa nói rằng đó là một phép màu. Phép màu này không phải là từ chúng ta thường dùng trong khoa học, mà nó là một phép màu tình cờ. Kết quả này không thể ngờ tới, nghiên cứu của tôi thực sự đã tác động hiệu quả đến bệnh nhân”.
Sau khi sống với thị lực suy giảm nghiêm trọng trong 12 năm, bà Lynley đang thích nghi với cuộc sống mới. Trước đây, bà hoàn toàn bị mất thị lực trung tâm ở mắt trái, trong khi mắt phải của bà giống như “tivi tĩnh”, còn bây giờ bà đã có thể nhìn thấy hoàn hảo trở lại.
Bà chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ mình đang tưởng tượng. Thiết bị flash có thể theo dõi từng mili giây dòng điện đi qua da đầu và vào mắt tôi. Thiết bị cho thấy các tế bào trong võng mạc của tôi hoạt động, và nó đã gửi rất nhiều thông điệp xuống dây thần kinh thị giác của tôi đến các phần não, tạo ra hình ảnh, từ ngữ và màu sắc từ các thông điệp điện tử”.
Không ai biết chính xác tại sao việc điều trị bằng xung điện lại giúp bà Lynley phục hồi thị lực. Song Tiến sĩ Adhia và nhóm đồng nghiệp của bà chắc chắn muốn tìm hiểu. Các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm khác song song với nghiên cứu về điều trị các cơn đau mãn tính, để xác định xem phương thức kích thích xung điện đã giúp cụ bà 80 tuổi lấy lại thị lực như thế nào. Họ hy vọng phương pháp này cũng sẽ giúp những bệnh nhân khác lấy lại được đôi mắt sáng như bà Lynley.