Bí ẩn những vũ công trên than hồng

Khi màn đêm buông xuống ngôi làng hẻo lánh của vùng Strandzha, Bungari, một nhóm người gồm cả đàn ông và phụ nữ lại chuẩn bị cho điệu “Nestinarstvo”, một điệu múa trên lửa cổ xưa và bí ẩn, mà những người muốn gìn giữ đang lo ngại nó sẽ bị tầm thường hóa bởi các dịch vụ thương mại.


 

Một vũ công Bungari đang nhảy múa trên than hồng. Ảnh: Internet

Chân trần trên lớp than hồng nóng bỏng, một nhóm vũ công người Bungari đã kết thúc nghi lễ biểu diễn đầy hứng khởi. “Than nóng thế nào không thành vấn đề. Bạn chỉ cần im lặng, cảm nhận hoặc không nghe gì ngoài tiếng trống và kèn”, ông Mihail Georgiew, 54 tuổi, một trong các vũ công trên than hồng, còn gọi là “nestinari”, nói.


Mihail bước chân trần lên bãi than đỏ rực, nhưng giống như các nestinari khác, ông không đau đớn cũng không bị bỏng trong nghi lễ đó. Điều này cho đến nay vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học. Trán Mihail lấm tấm mồ hôi, còn áo sơ mi thì dính bết vào lưng, nhưng người vũ công già cho biết, bàn chân ông vẫn lạnh băng trong lúc vừa nhảy vừa áp biểu tượng Thánh Constantine và Elena lên mặt.


Mặc dù đã nhiều lần kiểm tra, một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Bungari chỉ có thể xác định được rằng, nhiệt độ cơ thể của các nestiari đã giảm đáng kể xuống khoảng 31 độ C, so với mức trung bình của con người là 37 độ C. “Thánh Constantine ở bên tôi khi tôi nhảy múa và tôi không sợ”, một vũ công khác là Kostadin Mihaylov, 17 tuổi đến từ làng Brodilovo ở đông nam Bungari cho biết.


Lễ nhảy trên than hồng năm nào cũng được tổ chức vào dịp 3/6, ngày lễ thánh Constantine và Elena, hai vị thánh mà các nestinari tin rằng đã triệu tập họ để nhảy múa và bảo vệ đôi chân họ khi dẫm lên than nóng. Điệu nhảy kéo dài hơn 10 phút, thu hút hàng trăm khách du lịch tới miền quê xa hẻo lánh ở vùng núi Strandzha này mỗi năm.


“Nhảy trên lửa từng là một nghi lễ linh thiêng, do một cộng đồng nhỏ và khép kín ở vùng núi Strandzha này thực hiện. Nhưng thật tiếc là ngày nay nó đã biến thành một dịch vụ hút khách du lịch”, Giám đốc Công viên quốc gia Strandzha, Stefan Zlatarov nói. Một số dân làng cao tuổi cũng phàn nàn về việc nghi lễ cổ xưa của họ đang bị thương mại hóa.


Theo nhà sử học Valeria Fol, tục nhảy trên than hồng bắt nguồn từ người Thracian cổ, sống ở vùng đất là Bungari ngày nay từ khoảng 4.000 năm trước Công nguyên đến năm 300 sau Công nguyên. Sau khi Chúa Jesus giáng sinh, các nestinari tiếp nhận các vị thánh Giáo hội chính thống, hòa trộn tôn giáo mới với cũ.


Nghi lễ nhảy múa trên than cũng được bảo tồn tại một số ngôi làng ở miền bắc Hy Lạp, nơi các nestinari Bungari bỏ chạy đến vào đầu thế kỷ 20. Ở đó, các “anastenaride” (tiếng Hy Lạp để chỉ các vũ công trên lửa) biểu diễn vào ngày 21/5, ngày lễ các vị thánh Constantine và Elena ở Hy Lạp. Dù vậy, cả nhà thờ Hy Lạp chính thống và Bungari đều không hài lòng với nghi lễ này, và cho rằng, các vũ công đã bị quỷ chiếm đoạt.


Trong suốt thời xã hội chủ nghĩa trước đây ở Bungari, điệu nhảy trên than hồng vẫn được cho phép, nhưng phần lớn mang tính chất thu hút du khách thay vì nằm trong một nghi lễ dâng hiến truyền thống mang tính tôn giáo.


Theo truyền thuyết thì tất cả các nestinari đã từng sống chung trong một ngôi làng, bao quanh là năm dòng suối linh thiêng. Xuyên suốt nghi lễ của họ ngày nay là nhịp trống và tiếng kèn túi vang lên đều đều. Các đồ lễ gồm bánh mì, hoa, các món ăn từ thịt cừu và các món lễ nhỏ khác được cúng dâng lên các vị thánh.


Những năm trước, các nestinari thường nhảy múa vào đêm 3/6, đúng dịp lễ thánh Constantine và Elena, và biểu diễn hai hoặc ba lần mỗi năm khi cần thiết, như những thời điểm xảy ra thiên tai. Nhưng ngày nay, các nestinari thời hiện đại không đặt ra giới hạn nào. Họ biểu diễn bất cứ khi nào thấy cần. Một vũ công tên Ilian Jordanov cho biết: “Lửa có một sức mạnh thanh lọc, vì vậy chúng tôi biểu diễn cho chính mình và cho mọi người”.


Trong một nỗ lực bảo tồn tinh thần của điệu nhảy mang tính chất tôn giáo này, bốn năm trước, nhà quản lý công viên quốc gia Strandzha đã khởi xướng một chiến dịch khôi phục nghi lễ cổ. Kể từ đó, các nestinari Bungari và các anastenaride Hy Lạp tập trung về một khu vực hẻo lánh thuộc Strandzha mà họ coi là “quê hương” của mình để biểu diễn trong các nghi lễ truyền thống, tránh xa con mắt tò mò của các du khách.

 

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN