Sau 2 năm nghiên cứu, công ty Cerocon SA của Argentina vừa đưa ra một phương pháp xử lý chất thải nguy hại được cho là có hiệu quả nhất từ trước tới nay trên thế giới: biến chúng thành thủy tinh không nguy hại sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Chất thải nguy hại có thể được tái chế thành thủy tinh hữu ích. Ảnh Internet |
Theo Chủ tịch công ty, ông Mario Norberto Fracchia, không như nhiều công nghệ khác được áp dụng trên thế giới, trong đó có giải pháp “hòa” chất độc hại trong rác thải vào thủy tinh, Cerocon phát triển được một công thức hóa học biến tro bụi sau khi đốt mọi chất thải rắn và bán rắn nguy hại thành thủy tinh.
Thủy tinh không độc hại này có chất lượng không được như pha lê và không trong, tuy nhiên, nó bền hơn thủy tinh thông thường rất nhiều và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, thí dụ như sau khi được nghiền nhỏ có thể được dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch block, vật liệu cách âm và cách nhiệt...
Ông Fracchia nhấn mạnh công nghệ của Cerocon cho phép xử lý rác thải nguy hại một cách đơn giản và không tốn kém như các công nghệ khác. Công ty đã thử nghiệm thành công công nghệ trên trong xử lý bùn của con sông Riachuelo bị ô nhiễm bậc nhất tại Argentina, chất độc cyanide, pin, rác y tế...
Công ty đã đăng ký bằng sáng chế này tại Argentina và Mỹ. Tất cả các doanh nghiệp tạo ra chất thải cứng hoặc bán cứng nguy hại đều có thể mua công nghệ xử lý hết sức độc đáo này.
Xử lý rác thải của xã hội với xu hướng tiêu thụ gia tăng như hiện nay là một trong những thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong những năm tới. Ngân hàng thế giới (WB) ước tính trong năm 2012 lượng chất thải trên thế giới sẽ ở mức 1,3 tỷ tấn và sẽ nhiều gấp đôi vào năm 2025.
Quang Sơn (P/v TTXVN tại Argentina)