Phương pháp giáo dục có phần đối ngược giữa “Mẹ hổ” dữ dằn và “Bố mèo” ôn hòa đang trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong xã hội Trung Quốc hiện nay.Các diễn viên chính trong bộ phim “Mẹ hổ bố mèo”. |
Thuật ngữ “Mẹ hổ” trở nên phổ biến bắt nguồn từ cuốn sách ăn khách của tác giả người Mỹ gốc Hoa Amy Chua được xuất bản năm 2011 có tựa đề (lược dịch) “Khúc chiến ca của Mẹ hổ” để miêu tả về những bà mẹ nghiêm khắc, người luôn hối thúc con cái họ phải trở thành những đứa trẻ đứng đầu trong trường học, thể thao, âm nhạc...
Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi bộ phim truyền hình “Mẹ hổ bố mèo” của Trung Quốc trở thành hiện tượng được người dân mong ngóng thì thuật ngữ “Bố mèo” nói về cách dạy con một cách mềm dẻo hơn không chú trọng đến quy tắc và hình phạt để khiến trẻ trở nên độc lập đang được sử dụng rầm rộ trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc.
Thực ra “Bố mèo” đã xuất hiện cùng thời điểm với “Mẹ hổ” khi Chang Zhitao, một người cha ở Thượng Hải trực tiếp đứng lên tranh cãi với nữ tác gia Chua sau khi sách của cô được xuất bản. Mặc dù có phương pháp dạy con khá khác biệt nhưng ước mơ của cả hai bậc phụ huynh này đều đã thành hiện thực khi cả hai con gái của họ đều được nhận vào học tại ngôi trường danh giá, đại học Harvard.
Bên cạnh hai hiện tượng trên thì “Bố sói” cũng là một thuật ngữ mới được cư dân mạng Trung Quốc sử dụng để miêu tả những ông bố nghiêm khắc và tin tưởng vào đòn roi để dạy con cái.
Hiện tại đã có 80 triệu người Trung Quốc theo dõi bộ phim truyền hình “Mẹ hổ bố mèo” và tập cuối của bộ phim đã thu hút hàng chục ngàn bình luận trên mạng xã hội Weibo.
Tuy nhiên dường như xã hội Trung Quốc vẫn không mấy thích thú với hình tượng của "Bố mèo" khi nhiều ý kiến cho rằng nhân vật này là hình tượng “mềm yếu” và không phải là “người đàn ông đích thực”.
Điển hình như khi diễn viên Tong Dawei, người đóng vai “Bố mèo” trong bộ phim đăng hình ảnh anh và con gái với dòng chú thích “Mẹ đi vắng khi ống nước hỏng. Bố ở nhà cầm nước mắt sửa ống nước trước khi mẹ về”. Ngay lập tức có 5.000 lời bình luận dưới bức ảnh, trong đó một ý kiến có nội dung: “Với tư cách là một người đàn ông, tôi không thể chấp nhận việc trở thành một 'Bố mèo'”.
Hà Linh