Bùng nổ dịch vụ dành riêng cho nữ giới Ấn Độ

Sau vụ cưỡng hiếp tập thể dã man một nữ sinh trên xe buýt hồi tháng 12 năm ngoái gây chấn động Ấn Độ và thế giới, tại Ấn Độ hiện xuất hiện ngày càng nhiều những địa điểm, dịch vụ chỉ dành riêng cho nữ giới. Những nơi như công viên, dịch vụ xe buýt, xe taxi, khách sạn hay du lịch chỉ dành riêng cho phụ nữ đang được nhiều chị em tìm đến.


Nơi không có bóng dáng đàn ông


Chính quyền các bang ở Ấn Độ đang khẩn cấp cho lắp các đường dây nóng, lắp thêm đèn đường, máy quay giám sát... Tuy nhiên, ý tưởng tạo nhiều khu vực an toàn hơn cho phụ nữ thu hút được nhiều sự chú ý và đầu tư nhất. Những không gian này được nhiều phụ nữ (thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi) coi là nơi “tị nạn” lý tưởng để tránh những cái nhìn “hau háu” hay sự chú ý mờ ám của đàn ông.

Khoang dành riêng cho phụ nữ trên một đoàn tàu ở Ấn Độ.


Thành phố Coimbatore ở miền nam Ấn Độ đã thông báo kế hoạch dọn dẹp một công viên bỏ hoang, biến nó thành nơi chỉ phụ nữ mới được vào. Trong công viên có một phòng tập thể dục mà người hướng dẫn cũng là nữ. Chính quyền địa phương từ thành phố Assam cho đến Odisha cũng lập các tuyến xe buýt dành riêng cho nữ giới. Bộ Du lịch Ấn Độ còn hối thúc các khách sạn nhỏ dành nhiều tầng cho khách nữ thuê.


Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ đã có kế hoạch thiết lập một hệ thống ngân hàng trị giá 161 triệu USD mang tên Bhartiya Mahila, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho phụ nữ. Ngân hàng này có 25 chi nhánh trên toàn quốc và tất nhiên, phần lớn nhân viên sẽ là nữ. Bhartiya Mahila sẽ mở cửa ngày 19/11 - ngày sinh của Indira Gandhi, cựu thủ tướng Ấn Độ và là biểu tượng nữ giới được tôn kính nhất Ấn Độ.


Người phát ngôn Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết ngân hàng mới này là một bước tiến quan trọng để điều chỉnh sự bất bình đẳng giới trong lĩnh vực tín dụng và ngân hàng ở Ấn Độ, khi mà chỉ có 26% phụ nữ có tài khoản ngân hàng, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 44%.


Có thực sự an toàn?


Tuy nhiên, các chuyên gia ủng hộ nữ quyền lại không tin rằng phân chia giới tính là trao quyền cho nữ giới. Thậm chí, họ còn cho rằng biện pháp tưởng như là bảo vệ nữ giới này lại có thể để lại hậu quả tiêu cực về lâu dài.


Bà Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội ở New Delhi, nhận định: “Biện pháp này sẽ co cụm phụ nữ vào những không gian hạn chế, trong khi họ phải ra ngoài và bước đi trên cùng con phố, làm cùng văn phòng và mua bán cùng chợ với đàn ông”. Do đó, bà cho rằng giới hạn không gian riêng để tạo sự an toàn cho phụ nữ không phải là một thông điệp tốt, mà nó còn khuyến khích sự phân biệt và bạo lực. Ông Jayati Ghosh, giáo sư kinh tế học trường Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cũng cảnh báo các biện pháp kiểu như trên sẽ không bảo vệ phụ nữ, trái lại nó chỉ đơn giản là tách phụ nữ ra và giới hạn tự do của họ, thay vì bảo vệ.


Giới chuyên môn nhận định, xu hướng phân chia nam nữ còn đe dọa những thành tựu mà phụ nữ đạt được trong lĩnh vực giáo dục và nghề nghiệp suốt hai thập kỷ qua. Vấn đề là nam giới phải thay đổi hành vi, chứ không phải nữ giới.


Trong khi đó, những cô gái như Aishwarrya Kapoor, 20 tuổi, vẫn phải tìm cách tự bảo vệ mình. Cô muốn tham dự một bữa tiệc sinh nhật tại một câu lạc bộ ở trung tâm New Delhi và chỉ được mẹ cho đi nếu tìm được một xe taxi mà người lái là nữ giới. Công ty mà Kapoor thuê taxi là Sakha, thành lập năm 2010 và giờ có 12 lái xe nữ và 62 người đang được tập huấn. Sau vụ cưỡng hiếp trên xe buýt, công việc kinh doanh của hãng đã tăng từ 50 đến 60% và khách hàng thường đặt xe trước vài ngày.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN