Dù không phải là nước xuất khẩu cà phê lớn, nhưng Peru lại là quê hương của những hạt cà phê Arabica hảo hạng. Thung lũng Villa Rica nằm ở độ cao 1.600 - 2.000 m so với mực nước biển ở tỉnh Oxampampa nằm ở trung tâm vùng Amazon của Peru được xem là địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để trồng cà phê ở quốc gia Nam Mỹ này. Với cam kết bảo vệ môi trường, 90% người dân địa phương làm việc trong ngành công nghiệp này cùng nhau tạo nên một vành đai sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao theo phương pháp truyền thống, nổi tiếng thế giới.
Người dân Peru ở thung lũng Villa Rica. |
Không chọn loại cà phê chịu nắng cho sản lượng lớn gấp 3 lần nhưng yêu cầu các biện pháp nông nghiệp gây hại với môi trường, người Peru quyết định trồng cây cà phê mọc trong bóng râm bên dưới tán rừng để không làm tổn hại hệ sinh thái. Những loài chim sống trong rừng vừa có “nhiệm vụ” ăn côn trùng gây hại, mặt khác lại góp phần tiếp thêm dinh dưỡng để đất nuôi cây. Lá cây rụng trở thành loại phân bón thụ động, trong khi các bộ phận của cây cà phê sau quá trình chế biến quay trở lại thành phân bón cho cây.
Sau mấy trăm năm kể từ ngày xuất hiện, cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Peru, chiếm 60% mặt hàng xuất khẩu của Peru. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới mặt hàng nông nghiệp này, làm thu hẹp các khu vực trồng trọt. Để ứng phó với tình trạng này, nông dân Peru dùng song song các chiến lược: đa dạng sản phẩm bằng cách thêm vụ mùa mới như cocoa hay rau, đồng thời đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ giúp bảo vệ môi trường và tăng thu nhập. Với chiếc lược thứ hai, Peru trở thành một trong những nhà xuất khẩu cà phê hữu cơ số một thế giới trong lúc thị trường nội địa tiếp tục mở rộng nhờ khách du lịch nước ngoài và sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới do nền kinh tế được cải thiện.
Nhưng câu chuyện trồng cây cà phê và tiêu thụ sản phẩm này của người Peru không phải là câu chuyện màu hồng. Trợ lý thương mại của Đại sứ quán Peru tại Hà Nội, ông Đoàn Việt Dũng cho hay, người trồng cà phê và cây cà phê Peru đối mặt với không ít thách thức, từ lãi suất vay tiền cao đến 40%, cây cà phê đang già trong khi chi phí thay thế đắt đỏ, năng suất cây cà phê thấp, thiếu hụt “thế hệ trẻ” kế cận...
Văn hóa cà phê ở Peru
Kể về câu chuyện cà phê của Peru, ông Luis Tsuboyama, Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam cho biết, cà phê gia nhập vào Peru theo chân người Italy và uống cà phê từ đó trở thành một nét văn hóa ở quốc gia Nam Mỹ này. “Cà phê là một phần trong cuộc sống của người Peru, chúng tôi uống cà phê vào buổi sáng, vào giờ giải lao, lúc tụ tập với bạn bè, nói chuyện phiếm. Tôi tin văn hóa này cũng có ở Việt Nam”, ông Tsuboyama nói.
Theo ông Tsuboyama, thay vì là chính sách của chính phủ, mong muốn bán cà phê chất lượng cao ra thị trường thế giới đã ăn sâu trong tâm trí của cả khu vực tư nhân và người nông dân Peru, qua đó trở thành nguyên tắc hoạt động. Peru không hướng đến mục tiêu xuất khẩu cà phê chạy theo số lượng. “Chúng tôi muốn người nước ngoài nhận diện thương hiệu Peru là nước xuất khẩu cà phê có chất lượng”, ông Tsuboyama khẳng định.
Có người nói, Peru không sử dụng hóa chất trong ngành công nghiệp sản xuất cà phê vì nông dân không đủ tiền mua thuốc trừ sâu và phân bón. Ông Tsuboyama cho hay, đó vừa là một câu nói đùa nhưng cũng phản ánh một sự thật ở đất nước ông. Peru hiện vẫn chưa phải là quốc gia giàu có, mà là một nước đang phát triển như Việt Nam. Nông dân hưởng lợi nhiều từ việc tăng cường xuất khẩu cà phê để cải thiện chất lượng cuộc sống, học hỏi về thế giới qua việc xuất khẩu cà phê, song họ vẫn còn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Thay vì phải chi tiền để mua phân bón là sản phẩm nhập khẩu, người dân Peru đi theo con đường thông minh là sản xuất hữu cơ, cũng nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Chúng tôi chia tay ông Tsuboyma, với những câu nói và hình ảnh văng vẳng trong đầu: Peru là một nước xuất khẩu cà phê ở Mỹ Latinh... Chúng tôi là những người uống cà phê, cà phê được trồng hữu cơ, chủ yếu ở vùng cao nguyên ở dãy Andes, người tiêu dùng tập trung chủ yếu ở các thành phố Peru...