Trong khi hầu hết các lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều hối thúc Anh nhanh chóng bắt đầu quy trình đàm phán ra khỏi liên minh theo nguyện vọng của đa số cử tri nước này trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23/6 vừa qua thì các ứng cử viên nặng ký cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng David Cameron đều muốn trì hoãn quá trình này ít nhất là cho đến cuối năm 2016.
Phát biểu ngày 1/7, ứng cử viên tiềm năng là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, vốn ủng hộ Brexit, cho biết bản thân ông không mong sẽ kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon - quy trình chính thức đưa một nước thành viên ra khỏi liên minh - trong năm 2016. Trong khi đó, đối thủ nặng ký của ông đến từ phe ủng hộ Anh ở lại liên minh, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cũng cho rằng điều khoản này chỉ nên được bàn tới vào cuối năm 2016.
Ông Michael Gove và bà Theresa May. |
Những tuyên bố trên được đưa ra bất chấp sự thúc giục từ phía các nhà lãnh đạo EU về việc Anh nên khẩn trương khởi động quy trình này nhằm trành hiệu ứng "domino" khiến các quốc gia khác cũng thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Bên cạnh đó, EU cũng e ngại những ảnh hưởng tiêu cực do tâm lý bất ổn về tương lai phát triển kinh tế của "xứ sở sương mù" sẽ gây ra đối với triển vọng chung của toàn khối chừng nào Anh chưa chính thức ra khỏi EU.
Tổng thống Pháp Francoise Hollande cho rằng Anh càng nhanh chóng rời EU càng tốt cho tương lai của khối. Ông Hollande khẳng định một khi Anh rời đi, bóng đen của sự thiếu chắc chắn và tâm lý ngờ vực trong lĩnh vực kinh tế và tài chính của toàn khối cũng sẽ được xua tan.
Lo ngại của các lãnh đạo hoàn toàn có cơ sở khi cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Geogre Osborne cảnh báo ngân sách quốc gia này sẽ không thể đạt thặng dư vào năm 2020 như dự kiến do những tác động tiêu cực từ Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc nước Anh có thể còn tiếp tục phải nối dài những biện pháp khắc khổ. Trước cuộc trưng cầu ý dân, chính ông Osborne đã cảnh báo người dân Anh về những hậu quả như tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công hậu Brexit. Ông cũng cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng mập mờ về tương lai của đất nước là nhanh chóng xác định mối quan hệ mới với EU, duy trì năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, và chính sách mở cửa nền kinh tế và tự do thương mại.
Kể từ sau cơn chấn động mang tên Brexit do cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23/6, Anh rơi vào cuộc khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế. Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền và cả Công Đảng đối lập đều bị xáo trộn, người dân chia rẽ thành hai nhóm đối lập, một loạt các cảnh báo kinh tế được đưa ra trong khi mức tín nhiệm chung của quốc gia và liên minh đều bị các hãng xếp hạng uy tín đánh tụt.
Thủ tướng David Cameron, người luôn nỗ lực để giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung" châu Âu cũng tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới và từ chối dẫn dắt quá trình đàm phán đưa Anh ra khỏi EU mà "nhường" trách nhiệm này cho người kế nhiệm.