Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) mới đây đã công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu được coi là lớn nhất từ trước đến nay. ICIJ đã phanh phui “các thiên đường trốn thuế” trên toàn cầu, phơi bày bí mật của hơn 120.000 chi nhánh nước ngoài của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân, tại hơn 170 quốc gia.
Thụy Sỹ nổi danh là “thiên đường” trốn thuế cá nhân. Ảnh: Internet |
ICIJ cho biết vụ việc “có thể trở thành sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới”. Để có được kho dữ liệu, ICIJ đã hợp tác với 86 nhà báo và nhiều tòa soạn tại 46 quốc gia (BBC ở Anh, Le Monde ở Pháp, Süddeutsche Zeitung và Norddeutscher Rundfunk ở Đức, Washington Post ở Mỹ...), cùng nhiều chuyên viên lập trình tại Đức, Anh, Côxta Rica có nhiệm vụ xử lý tinh lọc dữ liệu.
Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden, UBS (đều của Thụy Sỹ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui "có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế" bị phát hiện đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (Niu Dilân), quần đảo Virgin (Anh), Xinhgapo, Adécbaidan, Nga, Canađa, Pakixtan, Philíppin, Thái Lan, Mông Cổ và nhiều nước khác.
Hồ sơ ICIJ còn phát hiện một con số cực kỳ lớn là các quan chức chính phủ và các gia đình giàu có từ khắp nơi trên thế giới, như Canada, Mỹ, Ấn Độ, Pakixtan, Inđônêxia, Iran, Trung Quốc, Thái Lan... Trong khi đó, một nghiên cứu của James S. Henry, cựu kinh tế gia trưởng McKinsey & Company, cho biết, giới nhà giàu thế giới hiện có tổng cộng từ 21.000 đến 32.000 tỷ USD cất trong những tài khoản ở nước ngoài - tương đương quy mô nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại...
Truy thuế đang là ưu tiên của chính phủ các nước. Các tập đoàn lớn trên thế giới đang đối mặt với các vụ kiện pháp lý cùng những khoản phạt liên quan đến trốn thuế. Nhiều tập đoàn của Mỹ liên quan đến ngành truyền thông đang trong tầm ngắm của các nhà làm thuế của các nước châu Âu.
Anh đang tìm hiểu tại sao công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trực tuyến Google chỉ nộp thuế chưa tới 10 triệu USD trong năm 2011 dù doanh số bán hàng đạt hơn 4 tỷ USD ở Anh? Còn hãng chế tạo máy tính Apple với tổng giá trị gần 625 tỷ USD đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm tỷ lệ nộp thuế của họ xuống chỉ còn 1,9% trong khi mức thuế áp dụng ở Anh là 24%. Anh ước tính Apple đã trốn hơn 880 triệu USD tiền thuế trong năm 2011.
Trong khi đó, theo Reuters, chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks trong 3 năm qua đã không trả thuế cho cơ quan thuế ở Anh. Starbucks chỉ phải trả 13,7 triệu USD cho tiền thuế ở Anh hơn 13 năm qua trong khi doanh số bán hàng được ghi nhận trong khoảng thời gian trên là gần 5 tỷ USD.
Thụy Sỹ nổi danh là “thiên đường” trốn thuế cá nhân. Một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất ở Thụy Sỹ là việc có hay không tiếp tục hỗ trợ cho nhà giàu của các nước né tránh thuế quốc gia bằng các tài khoản ngân hàng lập ở Thụy Sỹ. Ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai ở Thụy Sỹ được coi là "vịnh tránh thuế" cho giới nhà giàu trên thế giới khi năm 2012 thừa nhận đã chi 329 triệu USD để bôi trơn hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia có công dân giàu có, mở tài khoản tại đây.
Mỹ là quốc gia có nhiều tập đoàn trốn thuế ở các nước và cũng là quốc gia có nhiều người giàu trong nước trốn thuế. Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành điều tra 8 ngân hàng nước ngoài liên quan tới hành vi trốn thuế của công dân Mỹ, trong đó có ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS và ngân hàng Credit Suisse.
Anh Quân