Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Treni Fitri Yana hiện là một blogger và một chủ cửa hàng trực tuyến, trong khi Trena Mustika là một người nội trợ. Cách đây 24 năm, cả hai được sinh ra tại thành phố Ambon – thủ phủ tỉnh Maluku phía Đông Indonesia. Cha mẹ của cặp song sinh là người nhập cư từ Tây Java và chuyển tới đây sinh sống trong những năm 1990.
Tuy nhiên, một vài năm sau khi họ tới đây, rắc rối xảy đến. “Chúng tôi nhận được một lời cảnh báo từ một người lớn tuổi có tiếng nói tại Maluku rằng nếu gia đình cùng nuôi dạy Trena và Treni, bọn trẻ sẽ chết”, Enceng Dedi – cha đẻ của cặp sinh đôi – trả lời báo địa phương Kompas.com.
“Họ hàng của vợ tôi cũng nuôi một cặp sinh đôi và sau đó cặp đôi cũng qua đời. Chúng tôi rất sợ hãi, nên chúng tôi nhờ hàng xóm nuôi hộ khi chúng mới được 2 tháng tuổi”, ông Enceng không đề cập đến nguyên nhân gây ra cái chết của cặp song sinh kia.
Trong gần hai năm sau đó, Enceng cùng vợ tới thăm cặp sinh đôi tại các gia đình nhận nuôi. Tuy nhiên, một vụ xung đột liên quan đến tín ngưỡng giữa đạo Hồi và Thiên Chúa giáo bùng nổ năm 1999 và kéo dài 4 năm, buộc nhiều người nhập cư Java phải bỏ nhà cửa hồi hương, trong đó có Enceng và gia đình.
Enceng sau đó chỉ liên lạc được với gia đình nhận nuôi Trena, vì gia đình đó cũng chuyển về thành phố Garut chỉ cách quê nhà Tasikmalaya của Enceng vài giờ đi xe. Tại đây, Trena lớn lên cùng 6 người anh chị em ruột trong gia đình.
Tuy nhiên, gia đình đã mất liên lạc với Treni, mặc dù bố mẹ nhận nuôi cô bé cũng quay về Tây Java. Gia đình nhận nuôi chuyển tới Blitar – cách Tasikmalaya 10 giờ đi xe, và Treni Mustika cũng đổi tên thành Treni Fitri Yana.
Treni chưa bao giờ biết mình có một người chị sinh đôi cho đến khi cô gia nhập TikTok. Cô thường xuyên chia sẻ video về cuộc sống thường ngày với hai đứa con lên mạng xã hội và thu hút được trên 8.300 người theo dõi. Treni cũng quản lý một trang Youtube với 40.000 lượt đăng ký và đạt tổng cộng 8,6 triệu lượt xem kể từ khi thành lập kênh năm 2014.
Trong khi đó, Trena là một người nội trợ thông thường và không hoạt động nhiều trên mạng xã hội. Một ngày, một người hàng xóm của Trena nói với cô rằng rất thích xem video của cô.
Trena quá đỗi ngạc nhiên trước lời khen ngợi vì cô chưa từng sử dụng TikTok. Lên trên mạng xem các đoạn vieo, Trena càng tin rằng người nổi tiếng kia là người em song sinh thất lạc lâu năm.
Đóng giả làm người mua hàng và dần tiếp cận Treni song Treni nghĩ gia đình Trena là những kẻ lừa đảo.
“Họ hỏi tên tôi, bố mẹ tôi. Lúc đầu tôi không để ý đến họ vì không biết cũng như lo lắng đây có thể là một vụ lừa đảo. Tuy nhiên, rõ ràng người kia rất giống tôi, từ cách cô chụp ảnh, kiểu đội khăn hijab và nhiều thứ khác”, Treni quyết định quay về nhà hỏi bố mẹ.
Cặp song sinh bắt đầu liên lạc thường xuyên hơn qua mạng xã hội và đã lên kế hoạch gặp nhau ngoài đời thực. Nhiều tuần qua, Treni đã cùng chồng, con và mẹ nuôi đi tàu hỏa tới Tasikmalaya để thăm gia đình Trena.
Hai chị em đã dành thời gian bên nhau, từ mua sắm cho đến đi thăm mộ của người mẹ ruột quá cố, cũng như đã tới nhà của người hàng xóm giúp hai người nhận ra nhau.
Ông Enceng cho biết vợ ông đã mất từ năm 2018, nhưng trước đó bà chưa bao giờ đánh mất hy vọng về người con gái bị thất lạc. ‘Vợ tôi luôn tin rằng Treni vẫn còn sống và con bé sẽ trở về với chúng tôi một lần nữa”, ông chia sẻ.