Câu chuyện trong khu lều bạt ở Haiti

Widlene Gabriel năm nay 8 tuổi và suốt gần 4 năm qua, cô bé phải sống trong một khu lán trại dành cho hàng trăm nghìn người buộc phải sơ tán vì trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi tháng 1/2010 ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới: Haiti.


Widlene và gia đình sống trong một căn lều tạm bợ nằm dọc con đường nối liền thủ đô Port - au - Prince với khu ngoại ô phía đông Petionville. Chưa một lần được đến trường học, mỗi ngày trôi đi, Widlene chỉ ngồi găm cái nhìn trống rỗng vào những chiếc xe hơi và xe tải lao vun vút trên đường. “Ngày 12/1/2010, nhà của cháu đã bị sập do động đất, do vậy cả gia đình cháu chuyển đến đây”, bé Widlene với hai bàn chân lấm đầy bụi bẩn nhớ lại.

 

Một người phụ nữ đang chuẩn bị bữa ăn bên ngoài một căn nhà tạm bợ.


Widlene không phải là đứa trẻ duy nhất rơi vào tình cảnh này. Manette Nazius, bà mẹ của sáu đứa con, sống cùng khu lán trại với gia đình Widlene, nói: “Tất cả lũ trẻ ở đây đều ở trong hoàn cảnh như vậy. Sự thật là chúng tôi đang sống mà chẳng có chút hy vọng nào vào tương lai”.


Sự thật là đã bốn năm sau thảm họa động đất kinh hoàng ở Haiti nhưng khoảng 172.000 người dân nước này vẫn đang phải sống trong những căn lều tạm bợ với điều kiện sống bấp bênh, và nhiều khi còn phải đối mặt với việc bị đuổi khỏi những nơi nương trú tạm bợ đó.


Cuộc sống khó khăn đến mức theo cư dân của khu lán trại nơi Widlene đang trú ngụ, họ không còn sự lựa chọn nào khác nên đành bấu víu vào những công việc lặt vặt và và nhặt nhạnh bất kì thứ thực phẩm thừa nào mà họ có thể kiếm được để sinh tồn.


Theo các số liệu của chính phủ Haiti, đã có khoảng 250.000 người thiệt mạng trong trận động đất năm 2010. Thảm họa thiên nhiên này đã khiến hơn 1,5 triệu người rơi vào tình trạng vô gia cư. Điều đáng buồn là quá trình tái thiết sau thảm họa ở Haiti, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang diễn ra một cách chậm chạp.


Kể từ năm 2011, chính phủ đã tiến hành tái định cư cho hơn 60.000 hộ gia đình đồng thời lấy lại một số địa điểm công cộng, nơi các khu lán trại không đảm bảo vệ sinh sử dụng trước đó. Tuy nhiên, theo Tổ chức nhập cư thế giới, hiện có khoảng 172.000 người vẫn đang phải sống trong điều kiện chật hẹp và mất vệ sinh ở 300 khu lán trại tại Haiti.


Anh Donal Duvert - một trong những người sinh sống tại một khu lán trại sau động đất - chỉ về phía những chiếc lều lán đổ nát làm nơi che mưa che nắng cho 150 gia đình, buồn chán nói: “Chính quyền đã quên lãng chúng tôi và các tổ chức quốc tế đã không còn ghé thăm chúng tôi nữa. Đôi lúc, chúng tôi thấy tức giận. Chúng tôi là những công dân tốt. Chúng tôi không ra phố tấn công người giàu. Nhưng mọi người hãy thử nhìn xem chúng tôi sống thế nào”.


Trong khi đó, ngồi dưới bóng của một cây xoài, anh Joseph Gino tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của chúng tôi đã rất khó khăn nhưng giờ thì tình cảnh này còn tồi tệ hơn nhiều. Chỉ có Chúa mới biết lúc nào chúng tôi mới thoát khỏi đây”. Cùng chung nỗi niềm, một bà mẹ với đứa con trai bốn tuổi được sinh ra ở khu lều trại, nói: “Vào giữa trưa và đầu giờ chiều trong ngày, chẳng ai có thể ở dưới mấy cái lều này. Hơi nóng dưới tấm bạt khiến bọn trẻ và thậm chí là người lớn không thể chịu đựng được”.


Trong những tháng ngày trông ngóng, chờ đợi tưởng chừng vô vọng, nhiều người sống cảnh tạm bợ nơi lán trại vẫn tìm được những cách riêng để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Những người cao tuổi tập hợp lại và kiên trì cầu nguyện cho những điều tốt đẹp sẽ đến với cuộc đời họ. Trong khi đó, đám thanh niên lại chọn cách tập trung vào việc học hành để mong thoát khỏi cảnh sống trong nghèo khổ, đổ nát. Cậu thanh niên Fabienne, 18 tuổi, chia sẻ: “Dù đang bị tụt lại ở phía sau nhưng học hành là lối thoát duy nhất của tôi”.


Anh Tiếu(theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN