Dù phải đối phó với hàng loạt thách thức, đặc biệt là các cuộc xung đột triền miên, dịch bệnh Ebola, giá dầu mỏ giảm cùng nhiều thách thức khác về kinh tế-xã hội, năm 2014 vẫn là một năm thành công về kinh tế đối với các nước châu Phi. Theo ước tính của một số tổ chức tài chính quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của toàn châu Phi tăng 5,2% trong năm 2014, cao hơn 0,4% so với mức tăng trưởng năm 2013, trong đó khu vực các nước miền nam sa mạc Sahara (gồm 45 quốc gia) có thể đạt gần 6%. Với kết quả đó, châu lục gồm 1,15 tỷ người này tiếp tục là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Một trong những điển hình về thành công trong phát triển là Botswana, một quốc gia nhỏ bé giàu kim cương ở miền nam châu Phi, có nền quản trị tiên tiến bậc nhất châu lục với GDP trên đầu người đạt gần 16.000 USD.
Kinh tế tăng trưởng mạnh đã giúp một bộ phận lớn dân chúng thoát khỏi đói nghèo. Ngoại trừ đợt bùng phát tồi tệ nhất của dịch Ebola, các dịch vụ y tế ở châu lục đã được cải thiện mạnh mẽ, điển hình là trong lĩnh vực phòng chống sốt rét: từ năm 2000 tới nay, số ca tử vong do sốt rét ở châu Phi đã giảm 54%, giúp hàng trăm nghìn người được cứu sống. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.
Một công nhân làm việc tại nhà máy lắp ráp ô tô BMW ở Rosslyn, Pretoria. |
Động lực quan trọng tạo nên "sự trỗi dậy" mạnh mẽ của châu Phi từ hơn một thập kỷ qua là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đất đai màu mỡ ở hầu hết trong số 54 quốc gia, dân số trẻ (60% dưới tuổi 25) và một tầng lớp trung lưu lớn mạnh nhanh chóng cho dù Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) cho rằng có tới 60% trong tổng số 199 triệu người trung lưu ở châu lục này mới ở mức "thoát nghèo". Nhờ phát hiện thêm nhiều nguồn tài nguyên mới, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, và nhờ giá nguyên vật liệu vẫn còn ở mức tương đối cao so với giá trong thập kỷ trước, nhiều quốc gia đã tích lũy được những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho phát triển.
Được Tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh) mệnh danh là "Lục địa của hy vọng" vào năm 2011, thay vì "Lục địa vô vọng" mà chính tạp chí này gán cho châu Phi năm 2000, châu lục này đang thu hút được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như hạ tầng giao thông, viễn thông, nông nghiệp,… Theo ước tính của AfDB, năm nay, châu Phi thu hút được một luồng vốn kỷ lục từ nước ngoài, đạt tới 85 tỷ USD, vượt kỷ lục cũ vào năm 2013 và gấp đôi so với con số năm 2012. Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của châu lục - đã góp phần quan trọng vào kỷ lục này. Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi năm nay đạt 115 tỷ USD, tăng so với 112 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, châu Phi vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, với các cuộc xung đột dai dẳng, dịch bệnh triền miên, năng lực quản trị kém, tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng xã hội và tham nhũng tràn lan,… Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình trạng bất ổn vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó các nước Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Libya tiếp tục chìm trong xung đột, trong khi Kenya và Nigeria phải chật vật đối phó với sự hoành hành của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Giá dầu trượt dốc cũng đang có nguy cơ kìm hãm tốc độ phát triển của các quốc gia dựa mạnh vào xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria, Angola, Algeria, Nam Sudan và Libya, trong khi sự bùng phát của dịch bệnh Ebola từ gần một năm nay cũng tác động tiêu cực đến kinh tế của các nước khu vực Tây Phi, trong đó phải kể tới những nước trong ổ dịch là Sierra Leone, Liberia và Guinea. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Sierra Leone chỉ ở mức 4% (so với 11,3% vào năm ngoái), Liberia chỉ đạt 2,2% (so với 5,9%) và Guinea chỉ đạt 0,5% (so với 4,5%).