Kể từ ngày hôm nay (5/1), chỉ có phụ nữ mới được bán đồ lót dành cho phụ nữ ở Arập Xêút. Sắc lệnh trên của Quốc vương Abdullah đã giúp những phụ nữ ở đất nước Hồi giáo "siêu bảo thủ" này không còn ngại ngần, bối rối mỗi khi đi mua sắm các thứ đồ "nhạy cảm" lại gặp phải người bán hàng là nam giới.
Những hình ảnh này sẽ không còn xuất hiện ở Arập Xêút nữa. |
Cô Samar Mohammed, một người đi mua đồ ở Arập Xêút, nói: "Tôi và nhiều phụ nữ khác luôn cảm thấy ngượng ngùng khi bước chân vào cửa hàng bán đồ lót vì người bán hàng luôn là nam giới". Chính vì cảm giác không thoải mái này mà Samar đã nhiều lần mua phải đồ lót không vừa ý do cô ngại phải giải thích thứ cần mua với một người đàn ông.
Sắc lệnh này được ban hành từ tháng 6/2011 bất chấp sự phản đối của những giáo sĩ hàng đầu tại Arập Xêút. Theo đó, chủ các cửa hàng bán đồ lót nữ có 6 tháng để sa thải toàn bộ nhân viên bán hàng nam và chỉ được thuê phụ nữ làm việc. Từ tháng 7/2012, sắc lệnh này sẽ áp dụng đối với cả các cửa hàng bán mỹ phẩm.
Bộ trưởng Lao động Arập Xêút, ông Adel Faqih cho hãng tin Pháp AFP hay, sắc lệnh trên tác động đến hơn 7.300 cửa hàng bán lẻ đồ lót hiện tạo ra hơn 40.000 chỗ làm việc cho phụ nữ Arập Xêút. Bộ Lao động đã huy động 400 thanh tra để đảm bảo sắc lệnh được tất cả các cửa hàng bán đồ lót nữ tuân thủ.
Ngay từ khi Bộ Lao động đưa ra đề xuất cấm các cửa hàng thuê nhân viên nam cách đây 3 năm, các giáo sĩ đã phản đối rầm rộ do Arập Xêút đã có một sắc lệnh tôn giáo cấm phụ nữ làm các công việc như bán đồ lót. Phản kháng lại, phụ nữ Arập Xêút đã phát động một chiến dịch trên trang mạng xã hội Facebook mang tên "Enough Embarrassement" (tạm dịch: Đã quá đủ xấu hổ rồi).
Chiến dịch của họ cuối cùng cũng thành công khi sắc lệnh được thông qua. Trên mạng, các nhà hoạt động tự hào tuyên bố chiến thắng. Người phát động chiến dịch trên, bà Fatima Garoub, hoan nghênh việc thi hành sắc lệnh này và cho biết các cửa hàng bán lẻ đồ lót dù lúc đầu còn ngần ngại nhưng giờ đã phản ứng tích cực hơn, vì họ cũng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Một nhà hoạt động khác tên là Reem Asaad - người từng phát động một chiến dịch tẩy chay các cửa hàng đồ lót thuê nam giới bán hàng - cho biết, nỗ lực của cô nhằm gửi đến một thông điệp xã hội cho Quốc vương. Quốc vương đã có một chiến lược ủng hộ phụ nữ và đã thực hiện yêu cầu của họ.
Đây là một chiến thắng nhỏ nhưng rất có ý nghĩa đối với phụ nữ Arập Xêút. Ngoài xã hội, họ phải chịu sự phân biệt đối xử nặng nề và bị cấm làm rất nhiều công việc mà bán đồ lót chỉ là một ví dụ. Thậm chí, giáo sĩ Sheikh Abdel Aziz al-Sheikh đã cảnh báo các chủ cửa hàng bán đồ lót rằng, thuê phụ nữ làm việc là "phạm tội và bị luật Hồi giáo cấm". Theo giáo sĩ này, việc phụ nữ bán hàng là "đáng xấu hổ" và sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng vì họ sẽ phải giao tiếp với nhiều nam giới lạ.
Sắc lệnh này đã mang lại một cơ hội việc làm hiếm hoi cho phụ nữ. Cô Samar Moulid, một nhân viên bán đồ lót mới được tuyển dụng ở thành phố Jeddah, tâm sự: "Lúc đầu tôi sợ vì tôi không biết xã hội có chấp nhận điều này không. Nhưng sau đó tôi thấy rằng người mua hàng đều cám ơn chúng tôi".
Thùy Dương