Bà Ann và ông John Mykietyn ở bang New Jersey, Mỹ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bị lừa mất hàng ngàn USD. Cho đến mùa Thu năm ngoái, gần 7.000 USD tiền tiết kiệm của hai ông bà già tội nghiệp đã “không cánh mà bay” chỉ sau cú điện thoại từ một người xa lạ.
Người già nên đề phòng bị lừa khi nhận được điện thoại của người thân nhờ chuyển tiền gấp. Ảnh: Internet |
Kẻ gọi điện tự xưng là Daniel, cháu của ông bà Mykietyn, nói rằng anh ta vướng vào một vụ tai nạn ô tô ở Mexico và cần 1.800 USD tiền bảo lãnh để ra khỏi tù. Ngày hôm sau, anh ta tiếp tục gọi lại với giọng hoảng hốt thông báo bị mất ví và cần 2.400 USD để làm hộ chiếu mới. Quá lo lắng và muốn giúp cháu về nhà, ông bà Mykietyn đã chuyển tiền 2 lần qua dịch vụ chuyển tiền MoneyGram đến Mexico. Sau đó, họ còn gửi tiếp một khoản tiền nữa khi có một người đàn ông gọi đến thông báo một trong hai lệnh giao dịch tiền đã bị từ chối. Chỉ khi họ không thấy tin tức gì về “đứa cháu”, họ mới nhận ra rằng người gọi điện không phải là Daniel và họ đã mất tổng cộng gần 7.000 USD.
Trên khắp nước Mỹ, có rất nhiều nạn nhân như ông bà Mykietyn mắc phải chiêu “lừa đảo ông bà”, theo đó kẻ lừa đảo sẽ đóng giả một đứa cháu tội nghiệp đang trong cơn hoạn nạn để xin ông bà tiền. Những âm mưu này ngày càng trở nên phổ biến và đã được các cơ quan pháp luật Mỹ cảnh báo. Năm 2009, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã ghi nhận 743 vụ giả là người thân hoặc bạn bè đang cần tiền gấp. FTC cho rằng từ năm 2010 đến nay đã có hơn 40.000 trường hợp lừa đảo như vậy bởi chưa kể đến nhiều vụ nạn nhân không báo với chính quyền.
Ông Jean Mathisen, giám đốc trung tâm tiếp nhận cuộc gọi chống lừa đảo của AARP, cho biết trung tâm đã nhận được hàng trăm cuộc gọi liên quan đến “lừa đảo ông bà” từ đầu năm đến nay. Trong khi các cơ quan chức năng vừa triệt phá được một ổ lừa đảo gồm nhiều đối tượng đóng giả cháu "hờ" ở Canada thì các ổ cháu "hờ" khác ở nơi khác lại mọc lên. Ước tính “lũ cháu” này đã nẫng hàng chục triệu USD của nạn nhân. Cá biệt có trường hợp một cặp vợ chồng già về hưu ở bang Michigan đã mất 33.000 USD tiền tiết kiệm cả đời vào tay một kẻ tự xung là cháu trai bị giam trong một nhà tù ở Canada, nhờ ông bà gửi gấp tiền để nộp phạt và bảo lãnh.
Cuộc điện thoại lừa đảo điển hình như sau: Kẻ gọi điện sẽ hỏi "Ông (hoặc bà) có ở đó không ạ?" để cho người nghe điện thoại đoán tên hoặc nói lộ ra các thông tin khác. Kẻ gọi điện sau đó sẽ nhận mình là người có tên vừa được nhắc rồi giả vờ là bị tai nạn, bị cướp, bị bắt giam ở nước ngoài để nhờ ông bà gửi tiền gấp.
Kẻ giả danh thường xin ông bà giữ bí mật nhằm tránh bị xác minh thông tin. Giả sử nếu bị hỏi tại sao giọng nghe lạ thế, đứa cháu “hờ” thường nói là mũi hoặc mồm bị thương. Một khi nạn nhân đã gửi tiền, bọn lừa đảo sẽ tiếp tục gọi điện và đóng giả là luật sư, bác sĩ hay người bảo lãnh.
Các quan chức an ninh thuộc những công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền như Western Union hay MoneyGram cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với cơ quan pháp luật. Western Union đặc biệt cảnh báo khách hàng không gửi tiền cho bất kỳ thành viên nào trong gia đình đang gặp tình huống khẩn cấp mà chưa xác minh thông tin. Công ty cũng tập huấn cho nhân viên phát hiện dấu hiệu lừa đảo và trao cho nhân viên thẩm quyền từ chối giao dịch nếu họ tin đó là vụ lừa đảo. MoneyGram cũng cảnh báo nguy cơ lừa đảo với khách hàng và cho biết có thể treo lệnh chuyển tiền nếu nghi ngờ.
Trong khi đó, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi. Chúng dùng mạng xã hội để tìm hiểu thông tin về nạn nhân trước khi gọi điện. Đó có thể là lý do trong trường hợp của ông bà Mykietyn, kẻ lừa đảo biết được cậu cháu Daniel thường gọi ông John là "gramps" thay vì gọi "grandpa" như những đứa cháu khác. Chính điều này đã khiến ông John "cắn câu" ngay lập tức.
Để đề phòng bị lừa, người cao tuổi nói riêng và người dân nói chung nên cảnh giác khi có người thân đột ngột gọi điện xin chuyển tiền, nhanh chóng xác minh lại thông tin và hạn chế chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội…
Thùy Dương