Cuộc chạy đua thuê đất nông nghiệp tại châu Phi, để sản xuất nhiên liệu sinh học cho các nước phương Tây hay sản xuất lương thực cho châu Á, đang trở thành một trái bom nổ chậm đối với Lục địa Đen, nơi đang tồn tại nạn đói kỷ lục.
Các khoản đầu tư trên của nước ngoài rất khó định lượng, gây ra những căng thẳng, nhất là tại Madagascar (Mađagaxca) - nơi tập đoàn Hàn Quốc Deawoo hy vọng thuê được 1,3 triệu hécta đất canh tác để cung cấp một nửa sản lượng ngô cho nước này. Sự phản đối của người dân sở tại cuối cùng đã khiến dự án trên bị hủy bỏ, góp phần dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Ravalomanana đầu năm 2009.
Ngày nay, hòn đảo trên hài lòng với việc cho thuê đất phạm vi nhỏ, từ 5.000 - 30.000 hécta, cho các dự án (phần lớn của các nước châu Âu) tập trung vào sản xuất nhiên liệu sinh học.
An ninh lương thực ở châu phi bị đe dọa do mất đất nông nghiệp. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, phong trào phản đối cho nước ngoài thuê đất đang tiếp tục lớn dần trong bối cảnh châu Phi cần phải tăng gấp 3 lần sản lượng lương thực trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 để nuôi sống dân số đang ngày càng tăng cao của châu lục.
Chủ đề trên đã không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra trong các ngày 20-22/6 vừa qua tại Brazil (Braxin), song lại được các tổ chức phi chính phủ (NGO) rất quan tâm bởi những dự án cho thuê đất không chỉ dừng lại ở việc tịch thu những diện tích đất canh tác lớn, mà còn gây ra các vấn đề như phá rừng, gây xói mòn đất và tài nguyên nước.
Từ Madagascar đến Liberia (Libêria), Mozambique (Môdămbích) đều xảy ra tình trạng tương tự. Các hợp đồng cho thuê đất rất lớn được thực hiện nhanh chóng, trong khi người dân ít hoặc không được tham vấn, đôi khi bị di dời mà không có khả năng tự bảo vệ trong trường hợp xung đột. Những mảnh đất canh tác còn lại không đủ nuôi sống họ trong khi một lượng lớn diện tích đất được mang cho thuê lại bị triển khai chậm hoặc bỏ hoang.
Samuel Nguiffo, Tổng thư ký NGO Trung tâm môi trường và phát triển, còn tiết lộ: “Những thương vụ cho thuê đất mới đây tại Cameroon (Camơrun) đã gây bất ngờ, từ diện tích lớn đến giá cực kỳ thấp (0,5 USD/hécta trong vòng một năm), thời gian cho thuê bất thường (tới 99 năm) và ký kết trong điều kiện bí mật”.
Theo Trung tâm quốc tế giải quyết xung đột của đại học Columbia, Mỹ (CICR), một nửa lượng đất canh tác tại Liberia (Libêria) đã được chuyển nhượng cho nước ngoài, khiến người dân địa phương gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lương thực. Tháng 12/2011, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf thừa nhận đã có những “sai lầm” sau khi xảy ra các vụ bạo lực liên quan việc chuyển nhượng 220.000 hécta đất canh tác năm 2009 cho tập đoàn Sime Darby của Malaixia để trồng cọ lấy dầu và cao su.
Châu Phi chiếm khoảng 60% đất chưa được canh tác của thế giới, khiến cho khu vực này thành điểm mấu chốt cho an ninh lương thực toàn cầu. Bangladesh (Bănglađét) đang khuyến khích mua đất tại châu Phi để sản xuất lương thực cung cấp cho 150 triệu dân nước này. Các công ty của Bangladesh đã ký nhiều hợp đồng trồng lúa tại Uganda (Uganđa) và Tanzania (Tandania). Tại Gambia (Gămbia), chính phủ nước này đã từ chối chuyển nhượng đất sau khi xảy ra các vụ bạo lực năm 2011 tại nước láng giềng Senegal (Xênêgan). Một dự án sản xuất nhiên liệu sinh học trên diện tích canh tác rộng 20.000 hécta trồng khoai lang của phía đối tác Italia đã gây ra các vụ đụng độ với người dân tại Fanaye, miền bắc Senegal, làm 2 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương, buộc chính phủ nước này phải hoãn dự án.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) năm 2009, chỉ có 8,5% diện tích đất tại châu Phi được canh tác và 5,4% diện tích được tưới tiêu đầy đủ. Tuy nhiên, các NGO đánh giá cần hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân sở tại bằng cách cung cấp hạt giống, cơ sở hạ tầng dự trữ hay vận tải để tránh một phần sản lượng bị hư hỏng hơn là nhượng lại cho các tập đoàn nông, công nghiệp.
Tại Gabon (Gabông), hợp đồng cho tập đoàn đa quốc gia Olam (Xinhgapo) thuê đất đã bị chỉ trích. Sự nổi lên của ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng như việc chiếm hàng chục nghìn hécta đất để sản xuất dầu cọ và mủ cao su đã ảnh hưởng đáng kể đến các ngành thâm canh truyền thống như trồng ca cao, cà phê và chuối. Chuyên gia Marc Ona, thuộc tổ chức NGO Brain Forest, nhấn mạnh: “Gabon đang phải nhập khẩu nhiều lương thực từ nước Cameroon (Camơrun) láng giềng. Trong khi phải đối mặt với thách thức lương thực, Gabon lại dành cho các tập đoàn nông, công nghiệp nước ngoài hơn 300.000 hécta đất với các hợp đồng bất hợp pháp”.
Văn Hào(P/v TTXVN tại Angiêri)