Ngày 1/3 vừa qua, tên của Chinoy xuất hiện dày đặc trên truyền thông Pakistan khi nữ đạo diễn được xướng tên tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88 ở Hollywood, Los Angeles (Mỹ) cho giải phim tài liệu ngắn hay nhất với bộ phim có tên “A Girl in the River - The Price of Forgiveness” (tạm dịch “Cô gái trên dòng sông - Cái giá của sự vị tha”) đề cập đến góc khuất của hủ tục “hành quyết để bảo vệ danh dự” tại Pakistan.
Bộ phim dài 40 phút đưa người xem đến với câu chuyện cuộc đời cô gái Saba Qaiser (18 tuổi) tại tỉnh Punjab bị cha ruột và chú đánh đập, bắn vào đầu rồi ném xuống sông sau khi cô kết hôn và bỏ trốn cùng vị hôn phu bị gia đình phản đối vì quá nghèo. Điều kỳ diệu là sau vụ sát hại này Saba vẫn sống sót. Đạo diễn Chinoy tình cờ đọc được câu chuyện về Saba trên một tờ báo rồi quyết định tìm ra cô gái và ghi hình lại về cuộc đời cô trong 9 tháng năm 2014.
Một cảnh trong bộ phim “A Girl in the River - The Price of Forgiveness”. |
Hủ tục hành quyết để bảo vệ danh dự hầu như “vô hình” tại Pakistan bởi hầu hết các vụ việc xảy ra đều không được báo với cảnh sát còn nạn nhân đã qua đời hoặc phần lớn cũng lựa chọn sự im lặng trong khi xã hội Pakistan tự cho đây là việc bình thường bởi nó thuộc về tôn giáo và truyền thống. Đây chính là lý do Obaid Chinoy đã lựa chọn hủ tục này làm nội dung chính cho bộ phim mới nhất của cô.
Dưới luật hiện hành của Pakistan, gia đình nạn nhân có thể tha thứ cho kẻ sát nhân để không kéo tới việc khởi tố, điều đáng nói là trong mọi vụ việc thủ phạm lại chính là bậc cha chú của nạn nhân, ra tay để bảo vệ cái họ cho là danh dự gia đình. Bên cạnh đó, việc bỏ qua này còn liên quan đến một khoản lót tay thông đồng giữa hai bên được gọi là “tiền máu”.
Chính phủ Pakistan ước tính rằng có ít nhất 1.000 vụ việc hành quyết phụ nữ để bảo vệ danh dự gia đình ở Pakistan hàng năm, tuy nhiên con số này được nhiều nhà hoạt động cho rằng còn chưa chính xác với thực tế.
Trong phát biểu nhận giải Oscar, Chinoy tự hào chia sẻ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã lên tiếng cam kết thay đổi luật pháp nhằm trám những kẽ hở liên quan đến hủ tục hành quyết để bảo vệ danh dự. Chinoy khẳng định: “Đó là sức mạnh của bộ phim”.
Năm 2012, Chinoy giành giải Oscar cho một bộ phim ngắn khác về nạn tấn công axit tại Pakistan khi những người họ hàng thấy xấu hổ vì người thân hoặc những kẻ phụ tình quyết định hủy hoại người phụ nữ bằng việc tạt axit vào gương mặt của họ.
Có thể thấy rằng Chinoy là một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” không chỉ bởi cô là người Pakistan duy nhất giành được hai giải Oscar mà còn bởi cô là một nữ đạo diễn đã thành công trong việc đưa ra tiếng nói ở nơi hàng ngàn phụ nữ vẫn phải đối mặt với các hủ tục như tấn công axit và hành quyết vì danh dự.
Chinoy tự sự: “Là một phụ nữ đã trở thành lợi thế của tôi bởi tôi nghĩ rằng mình không thể kể những câu chuyện như vậy khi là nam giới”.
Sharmeen Obaid Chinoy sinh ra tại Karachi năm 1978, cô học phổ thông ở Pakistan sau đó theo học truyền thông đại chúng ở Đại học Stanford (Mỹ). Ngoài hai giải Oscar danh giá, Chinoy còn ẵm hai giải Emmy cho phim tài liệu vào các năm 2010, 2013. Ngoài những đề tài về phụ nữ Pakistan, Chinoy còn làm phim về cộng đồng người chuyển giới, các nữ nhân viên gìn giữ hòa bình người Bangladesh tại Haiti và về những khủng bố nhí... |