Hình ảnh về bữa ăn khiến cô gái Thượng Hải chia tay bạn trai nông thôn được đăng trên mạng xã hội, câu chuyện này về sau được vạch trần là bịa đặt. Ảnh: AP |
Đó là chuyện về một cô gái người Thượng Hải lạnh lùng đòi chia tay sau khi không chịu nổi bữa ăn đạm bạc của gia đình bạn trai ở nông thôn trong dịp Tết nguyên đán, điều này đã khắc họa sâu sắc về khoảng cách giàu nghèo quá lớn trong xã hội Trung Quốc. Đây chính cũng là hiện tượng mà giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã hứa hẹn sẽ xóa nhòa nhưng chưa hề đạt được chuyển biến đáng kể nào.
Công chúng lập tức chỉ trích thái độ của cô gái trẻ trong khi một nhóm ý kiến khác lại bênh vực cho rằng đó là thực tại ở vùng nông thôn có thể gây bất ngờ cho bất cứ cô gái thành thị nào.
Ngay cả sau khi biết được sự thật đằng sau câu chuyện trên thì nhiều nam giới nông thôn Trung Quốc vẫn lo ngại về việc tiến xa hơn hoặc tiếp cận với các cô gái thành thị. Điều này khá nhạy cảm ở thời điểm tại các vùng quê Trung Quốc, nam giới đang bỏ xa nữ giới về số lượng bắt nguồn từ chính sách một con đi kèm với quan niệm trọng nam khinh nữ ở nước này.
Wu Qiang, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Thanh Hoa, lập luận rằng bão dư luận liên quan tới câu chuyện trên cho thấy sự bất lực của Trung Quốc trong cân bằng lợi ích giữa người dân các thành phố trọng điểm với vùng nông thôn rộng lớn sau 3 thập kỷ công nghiệp hóa.
Năm 2014, thu nhập bình quân năm của một công dân Thượng Hải là 47.710 nhân dân tệ, gấp 4 lần so với 10.117 nhân dân tệ của một người Giang Tô. Vậy nhưng ông Zheng Fengtian, giáo sư Đại học Nhân dân, khẳng định khác biệt về thu nhập chưa đáng lo ngại bằng sự bất công bằng trong phúc lợi xã hội.
Nông dân phủ bạt chống sương muối và giá rét cho cây trồng tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc ngày 21/1. Ảnh: THX/ TTXVN |
Người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc không những có thu nhập khiêm tốn hơn những người đồng hương ở thành thị mà họ còn chỉ được hưởng phúc lợi xã hội “nhỏ giọt” hơn nhiều. Từ năm 2011, dân số thành thị bắt đầu lấn lướt dân số ở vùng nông thôn Trung Quốc khi chiếm tới gần 55%. Và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần dần mở rộng khi trong hàng thập kỷ người dân bị phân loại bởi hộ khẩu của họ. Chính sách của Trung Quốc thường “sủng ái” người dân thành phố khi họ được nhận dịch vụ y tế, giáo dục, lương hưu nhiều ưu đãi hơn..
Các quan chức Trung Quốc từ lâu đã cam kết sẽ đưa thêm nhiều chính sách mới hướng tới việc phát triển nông thôn, và mới đây ngay trong kỳ họp quốc hội được khai mạc từ hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh đến việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như phúc lợi xã hội ở vùng nông thôn. Điều này bao gồm xây dựng hệ thống đường xá mới với tổng chiều dài 200.000 km tại các vùng nông thôn, cùng với đó là cải thiện nguồn nước sạch và điện.