Chuyện giao thông ở Ôxtrâylia-Kỳ 1: Chiến mã đường phố

Tôi thực sự bị “sốc”! “Sốc” ngay khi chân ướt chân ráo tới thành phố Sydney của Ôxtrâylia. “Sốc” không phải vì thịt bò Úc quá ngon, không phải vì hoa quả Úc quá tươi, cũng không đến nỗi vì giá cả quá đắt đỏ so với ở Việt Nam. Tôi “sốc” vì một mô hình giao thông quá tuyệt vời nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều bất cập.


Kỳ 1: Chiến mã đường phố


Có một thực tế là nhiều người Việt Nam từng đi công tác ở nước ngoài, sau bao năm lăn lộn tác nghiệp cùng chiếc xế hộp là phương tiện đi lại, khi trở về nước lại không dám lái xe ô tô ra đường. Câu chuyện đó thật khó hiểu đối với những ai đã từng công tác ở Ôxtrâylia, đặc biệt là ở Sydney - nơi có mật độ giao thông khá dày đặc.

 

Biển báo “Bám làn bên trái” thường xuyên xuất hiện trên các trục đường giao thông ở Ôxtrâylia.

 

Đơn giản vì ở đây người ta đi xe với tốc độ... “sốc” và chỉ có những tay lái cứng mới có thể phi như tên bay vậy. Từng xe cứ nối đuôi nhau đi băng băng, phi vù vù, qua ngã tư đèn xanh thì không giảm tốc độ đã đành, đằng này phi qua ngã ba, qua bùng binh họ cũng chẳng cần đi chậm lại để nhìn ngó xung quanh, cả đoàn xe vẫn cứ trên từng cây số. Có lỡ đi chậm lại một chút để cảnh giác trông chừng các phương tiện xung quanh thì lập tức bị xe sau bấm còi giục giã ngay, mặc dù ở Sydney người ta không mấy khi bấm còi. Những chiến mã đường phố cứ ngày qua ngày như vậy và các tài xế đương nhiên trở thành những tay lái cừ khôi.


Nói thế, nhưng thực ra để lái được vậy là do nhiều yếu tố. Khả năng lái xe là một chuyện (xe tay lái nghịch và tất nhiên luật lệ cũng theo tay lái nghịch), nhưng đi với tốc độ cao như vậy mà không cần lưu ý nhiều lắm đến xung quanh còn do tính khoa học trong hệ thống luật giao thông và biển báo ở Ôxtrâylia. Tại đây, mọi “chiến mã” đều nhất nhất nhường đường cho xe bên phải, đi theo làn, chuyển làn phải xi nhan, đi đúng tốc độ cho phép (đặc biệt là vào giờ đưa trẻ đi học buổi sáng và đón trẻ về vào buổi chiều). Không cần nhiều loại biển báo, nhưng những nơi cần thiết đặt biển báo thì đến trẻ con nhìn cũng có thể hiểu. Trong thành phố, xe ô tô, tàu điện đi là vậy, nhưng người đi bộ cũng được tôn trọng hết sức. Đường dành riêng cho người đi bộ sang đường với biển báo hình đôi chân đi bộ thì bất kể xe nào cũng phải dừng lại để chờ người đi bộ sang đường. Ít người sang đường thì nhanh, nhiều thì cũng phải chờ đến khi nào hết người sang thì mới được đi tiếp.


Tại các ngã tư, muốn sang đường người đi bộ có thể bấm vào nút ở cột đặt cạnh đó, khi nào được đi chuông ở cột sẽ kêu và đèn dành cho người đi bộ sẽ chuyển xanh. Có thể gọi đây là nút bấm thông minh vì biết cách khuyến khích trẻ em tuân thủ luật giao thông, lại giúp đỡ người già mắt kém khi qua đường. (Khác với ở một số nơi có lắp loại đèn này tại Hà Nội: Rất ít người tuân thủ tín hiệu đèn).


Tôi lại nhớ câu chuyện với một chị phóng viên xung quanh tiện ích của nút bấm thông minh này: Người khiếm thính có thể nhìn đèn khi qua đường, người khiếm thị có thể nghe tiếng chuông mà đi qua. Nhưng còn những số phận hẩm hiu vừa khiếm thính và khiếm thị? Tốt nhất là họ đừng loạng quạng ra đường một mình, nhất là tại Sydney, nơi người ta cứ đi theo luật.

 

Câu chuyện nhân văn


Tại một số địa điểm tập trung đông người, chính quyền địa phương có biển báo cùng với vài thùng to đặt cạnh để quyên góp đồ dùng cá nhân cũ phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo. Trên các trục đường dài, thỉnh thoảng lại có biển “Bám làn bên trái” để nhắc nhở các tài xế.


Hệ thống chỉ dẫn làn phản quang trên đường cao tốc ở Ôxtrâylia thì khỏi phải bàn: Sáng như ban ngày khi đi vào ban đêm. Ngồi trên xe mà cứ tưởng như đang phi trên đường băng vậy. Trên các đường cao tốc, biển chỉ dẫn được đặt cách xa trước địa điểm cần chỉ dẫn hàng vài cây số để tài xế chủ động. Những biển nhắc nhở kiểu “Lỡ một cuộc điện thoại không giết bạn được” ấn tượng và thư giãn hơn nhiều so với biển “Cấm điện thoại khi đang lái xe” hay câu gì đó tương tự vậy.


Mọi ngả đường đều có thể phi băng băng, thế nhưng câu chuyện tay lái “rắn” ở Ôxtrâylia khi về Việt Nam bị “mất điện” lại có thật. Ở Ôxtrâylia người ta rất tôn trọng luật giao thông, nhưng cũng không thiếu những cánh tay ra hiệu nhường đường cho xe khác đi trước khi tài xế xe đó còn lúng túng. Ở Việt Nam cũng vậy chứ, tất nhiên chỉ khác nhau ở tỷ lệ người thực hiện. Anh bạn đồng nghiệp của tôi ngậm ngùi kể: Về Việt Nam, lái xe đi có việc cùng lãnh đạo, đi được một đoạn bị sếp đuổi xuống ghế dưới ngồi để sếp cầm lái vì “khó chịu cái kiểu đi”. Kiểu đi đó là không biết lạng lách mà cứ đi theo làn, làm xe sếp cứ lạc lõng, lừ lừ giữa phố phường Hà Nội, lại mắc cái tội cứ hay “nhường vớ nhường vẩn”. Đấy là trường hợp “mất điện” với giao thông Việt Nam của một tay lái cực "lụa" trong số cơ quan đại diện nước ta ở Ôxtrâylia. Chung quy cũng một phần tại ý thức của người tham gia giao thông ở Ôxtrâylia và Việt Nam còn khác nhau nhiều lắm...


Bài và ảnh: Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)


Kỳ tới: Kỵ sỹ bóng đêm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN