Vượt qua nỗi sợ bom rơi đạn lạc, cư dân thành phố Yasynuvata (Đông Ukraine) bước chân lên một chuyến tàu địa phương, đặt cược tính mạng để nắm lấy cơ hội gặp lại người thân trong những tháng ngày chiến sự còn ròng rã. Chuyến tàu màu xanh đến Lugansk. |
Tuyến đường sắt nối liền giữa hai thành phố Yasynuvata và Lugansk (đều nằm dưới sự kiểm soát của phe li khai) hoạt động trở lại vào ngày 28/3. Trong bối cảnh lệnh ngừng bắn mong manh được kí kết hồi tháng 2 giữa phe li khai và chính quyền Ukraine tiếp tục được duy trì, sự tạm lắng của chiến sự cho phép các hoạt động sửa chữa cơ sở hạ tầng diễn ra, từ đường ray, đường điện cho đến nhà ga vốn đã bị hư hại kể từ hồi tháng 8 năm ngoái, thời kì đỉnh điểm của đụng độ.
Đối với người dân nơi đây, sau nhiều ngày đêm phải sống trong những tầng hầm trú ẩn, một chuyến đi tàu cũng là lí do đáng để ăn mừng, ngay cả khi toa tàu đầu tiên vẫn phải là loại chống mìn để đề phòng bất trắc. Đúng như vẻ ngoài của đoàn tàu, họ gọi đó là “chuyến tàu màu xanh”.
Với ánh mắt ánh lên sự phấn khích, bà Yelena Panova, 51 tuổi, làm việc tại một nhà máy xúc xích, hồ hởi nói: “Tôi quá đỗi hạnh phúc! Tôi đã không gặp mẹ cả năm nay rồi. Tôi mừng lắm, hy vọng hành trình này sẽ không bao giờ chấm dứt cả”.
Hành trang trên chuyến tàu đoàn viên của bà Panova là một chiếc túi giả da rắn với insulin, thịt và đồ hộp dành cho bà mẹ 75 tuổi bị bệnh đái tháo đường, hiện đang sống ở giữa thành phố Lugansk. Được gặp lại mẹ là một chuyện, với bà Panova, sự trở lại hoạt động của đoàn tàu còn là phương tiện để bà giữ được phần nào thứ truyền thống vào ngày Lễ Phục sinh của cư dân ở đây. “Nhờ có đoàn tàu, tôi sẽ có thể thăm nghĩa trang gia đình trước Lễ Phục sinh”, bà nói.
Trong tổng thời gian thông thường khoảng 3 giờ đồng hồ trên hành trình dài chừng 140km, có những lúc chuyến tàu màu xanh chỉ cách những nơi xảy ra chiến sự vài km. “Tôi sợ chuyện bắn giết, nhưng tôi hy vọng tất cả sẽ suôn sẻ cả. Chồng tôi ở nhà và rất lo cho tôi”, bà Panova tâm sự.
Cách chỗ ngồi của bà Panova một đoạn, anh Alexander Zavgorodny, 42 tuổi, một tài xế xe tải, kể về mong muốn đến được Lugansk để gặp vợ và cậu con trai vừa tròn 11 tuổi. “Tôi đã không gặp hai mẹ con 2 tháng nay, còn trước đó là 6 tháng bởi vì họ tị nạn ở Odessa (thành phố do chính phủ kiểm soát)”. Anh Alexander cho biết, so với ô tô, tàu hỏa là một lựa chọn khôn ngoan hơn vì tốn ít thời gian và bớt nguy hiểm.
Còn đối với những nhân viên đường sắt như bà Lyudmila, bà Viktoriya và bà Yelena, những người đã chờ đợi 7 tháng để được khoác lại vào người bộ đồng phục, được trở lại nhà ga làm việc là cả một sự nhẹ nhõm, dù có thể chỉ có 12 hành khách, và dù có là vẫy chào cả hành khách không có vé. Bà Lyudmila, 54 tuổi, làm ở phòng vé nói: “Cuộc sống của chúng tôi đã trở lại”.
Một phụ nữ đứng trước ngôi nhà bị phá hủy ở thành phố Vuhlehirsk. |
Khi đoàn tàu lăn bánh, bầu không khí dần dần trở nên im ắng, u uất khi đoàn tàu đi qua những vùng đất vằn vện dấu tích chiến tranh, những nhà máy luyện kim nhả khói trắng đã là dĩ vãng, những ngôi nhà đổ nát vì bom đạn, còn cây cối chết héo bên đường.
1h30 tính từ lúc khởi hành, đoàn tàu dừng lại trong những tiếng động lạ rồi lùi lại. Giữa lúc sự lo lắng bao trùm lên các toa, ông Sergei, người lái tàu, chạy ra khỏi buồng lái, với chiếc mũ trên đầu và điếu xì gà đang ngậm trên môi, cho biết có sự cố kết nối với đường dây điện.
“Chúng tôi đã chạy thử hành trình này hôm thứ sáu (27/3) với một đầu máy xe lửa, nhưng đoàn tàu này không cùng cỡ… Đây là việc thường thôi. Sự cố sẽ được khắc phục. Tôi biết rằng hôm nay mình không chỉ là người lái tàu. Điều quan trọng là tôi không để tất cả những hành khách ở đây thất vọng”, ông Sergei vừa giải thích.
Sau một khoảng thời gian chờ đợi, đoàn tàu lại lăn bánh. Khi tiến vào thành phố Vuhlehirsk, cách điểm xuất phát khoảng 35km, đoàn tàu nhận được sự đón chào của nhiều người, cả người lớn và trẻ em. Với họ, việc được thấy đoàn tàu đồng nghĩa với việc nhìn thấy một dấu hiệu trở lại của một cuộc sống bình thường. Trong những tháng ngày này, đó không phải là câu chuyện thường ngày nơi phố.
Anh Minh (
Theo ASI/AFP)