Tất cả những điều đó phác họa nên cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành nông nghiệp Pháp.
Nông nghiệp đang “tụt hạng”
Có thể nói ngành nông nghiệp là niềm tự hào của nước Pháp. Với giá trị tính theo giá cơ bản 70,4 tỷ euro năm 2011, sản xuất nông nghiệp của Pháp dẫn đầu châu Âu. Tỷ trọng của Pháp trong giá trị sản xuất nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) là 18,1%, vượt qua Đức, Italy và Tây Ban Nha. Pháp dẫn đầu về sản lượng thịt bò, thịt gia cầm, ngũ cốc, củ cải đường và cà chua. Sản xuất nông nghiệp tạo ra 5,6% số việc làm tại Pháp vào năm 2012, với 1,42 triệu người lao động đang làm việc trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm.
Về thương mại, năm 2012, Pháp đạt thặng dư thương mại nông sản, thực phẩm 11,9 tỷ euro, tăng 75 triệu euro so với năm 2011. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm là mặt hàng có mức thặng dư thương mại lớn thứ hai của Pháp, sau thiết bị giao thông. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt 57,6 tỷ euro.
Nông dân Pháp biểu tình phản đối tình trạng giá thịt, sữa giảm mạnh ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thế nhưng, theo một đánh giá trên tờ Le Figaro, trong chưa đầy 15 năm, Pháp đã tụt hạng từ thứ hai xuống hàng thứ năm trong số các cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới. Pháp đã bị các nước như Hà Lan và Brazil vượt qua trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp ở Pháp đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và các sản phẩm nông nghiệp của nước này không chỉ có chất lượng cao, mà còn rẻ và an toàn. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân lại đang kém đi, với mức bình quân giảm từ 18.300 euro trong năm 2013 xuống còn 14.500 euro vào năm 2014.
Bộ Nông nghiệp Pháp ước tính, khoảng 22.000 trang trại, tương đương 10% số trang trại trên toàn quốc, đang gánh nợ lên đến 1 tỷ euro và đối mặt nguy cơ phá sản. Người nông dân Pháp lâm vào ba cuộc khủng hoảng là khủng hoảng thịt bò, thịt lợn và sữa.
Nguyên do từ đâu?
Nguyên nhân sâu xa trước hết phải kể đến là những bất cập trong nền nông nghiệp Pháp. Do quy mô chăn nuôi nhỏ, chi phí lao động ở đây cao hơn so với các nước láng giềng. Ở các nước như Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha, quy mô sản xuất lớn hơn nhiều và toàn bộ quy trình chăn nuôi đã được công nghiệp hóa với các thiết bị hiện đại.
Một yếu tố nội tại khác là việc hệ thống siêu thị, các nhà phân phối và ngành chế biến bắt tay nhau hạ giá nông sản. Trong năm 2014, các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn của nước này đã bị ảnh hưởng việc giá thu mua sụt giảm tới 8%, trong khi giá bán lẻ các sản phẩm đó trên thị trường lại tăng ít nhất 1%.
Bên cạnh những yếu tố nội tại, các yếu tố bên ngoài cũng góp phần đưa nền kinh tế Pháp đến giai đoạn “bĩ cực” hiện nay. Đó là những thay đổi trong chính sách nông nghiệp chung của châu Âu. Do các khoản hỗ trợ cho nông dân các nước châu Âu quá tốn kém, chiếm gần một nửa ngân sách, EU đã dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất sữa từ ngày 1/4/2015 sau 31 năm duy trì. Và vào tháng 11/2015, sản lượng sữa của các nước châu Âu đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hệ thống bảo đảm giá cả và trữ số dư thừa của EU đã dần bị dỡ bỏ trong hơn chục năm qua. Nông dân Pháp, Bỉ cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.
Một nguyên nhân khách quan khác là xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Việc Nga áp dụng lệnh cấm vận đối với thực phẩm của EU khiến thị trường châu Âu đứng trước tình trạng dư cung.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng Pháp cần quyết liệt hơn trong chính sách nông nghiệp, hoặc phải tập trung vào một nền nông nghiệp được công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm giá rẻ, hoặc phải chú trọng đến giá trị của các sản phẩm mang đặc trưng của Pháp.