Được đầu tư nhiều tiền của là vậy, nhưng ngành công nghiệp vũ trụ của Nga trong nhiều năm vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”, nếu không muốn nói là tụt hậu. Thực tế này đặt các nhà hoạch định chính sách của Nga trước thách thức cải cách toàn diện, có trọng điểm.
Tên lửa đẩy Proton-M mang vệ tinh viễn thông Satmex-8 được phóng đi tại sân bay vũ trụ Baikonur hôm 27/3/2013. |
Từ năm 2010 đến nay, các vụ phóng thất bại đã làm cho 12 vệ tinh của Nga trở thành vô dụng hoặc bị cắt ngắn thời gian sử dụng. Cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Nga, Yuri Koptev, phải thốt lên rằng “Nhóm vệ tinh quỹ đạo của chúng ta đang trong tình trạng thảm họa. Chúng ta tụt hậu không chỉ sau Mỹ và châu Âu mà còn sau cả Trung Quốc và Ấn Độ”.
Thiếu hụt chất xám được xác định là nguyên nhân đầu tiên của “thảm họa” nói trên. Nước Nga đã mất đi một thế hệ các chuyên gia từ bỏ ngành hoặc rời bỏ đất nước sau khi Liên Xô sụp đổ, mà lẽ ra họ đang nắm giữ các vị trí quản lý. Hiện tại, trong tổng số 240.000 cán bộ, nhân viên của ngành công nghiệp vũ trụ, có đến 90% là trên 60 tuổi hoặc dưới 30 tuổi. Valery Ryumin, một nhà du hành từ thời Xô Viết, hiện đã 73 tuổi, nói: “Tất cả các nhà máy đều có vấn đề (về nhân lực). Số lượng kỹ sư bị hẫng hụt cả một thế hệ”.
Một ngôi trường ở Baikonur đang tìm cách khuyến khích học sinh quan tâm đến ngành vũ trụ từ rất sớm bằng các lớp học được thiết kế mô hình tên lửa và sân chơi có trò bay thử, nhưng sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có ai đó trong số học sinh này trở thành kỹ sư.
Về phương hướng đổi mới, các nhà chức trách Nga xác định việc trước tiên cần thay đổi là tách Roskosmos khỏi các gói thầu xây dựng với hy vọng sẽ thúc đẩy kiểm soát chất lượng và chấm dứt một loạt vụ phóng tàu vũ trụ thất bại nặng nề, như vụ nổ tên lửa đẩy Proton mang theo thiết bị trị giá 200 triệu USD hồi tháng 7/2013. Giám đốc mới của Roskosmos, ông Oleg Ostapenko nói: “Chúng tôi có những kế hoạch lớn. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để loại bỏ hết những điều làm tổn hại đến danh tiếng của chúng tôi”.
Chương trình cải cách còn bao gồm chuyên môn hóa nhằm tăng chất lượng và hiệu quả. Các nhà cung cấp sẽ được tập trung vào một đầu mối độc lập với Roskosmos, do nhà nước quản lý. Roskosmos sẽ chỉ phụ trách các vấn đề về chính sách, nghiên cứu và phát triển hạ tầng mặt đất, chẳng hạn sân bay vũ trụ Baikonur. Đơn vị thành lập mới có tên Tổng công ty Vũ trụ và tên lửa thống nhất được thành lập trên nền tảng từ một viện nghiên cứu vũ trụ, do vậy việc tái cơ cấu sẽ không hề tốn kém chi phí phát sinh.
Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch trên làm mất đi tính cạnh tranh và việc cải tổ đó có thể làm cho ngành công nghiệp vũ trụ Nga thêm rối rắm, nhưng nhiều người trong cuộc cho rằng việc cải cách là tất yếu và sẽ là một quá trình lâu dài. Giám đốc công ty vệ tinh SetTelecom của Nga Sergey Pekhterev nói: “Kế hoạch cải cách sẽ rất khó khăn, nhưng chính phủ nhận thấy rằng không thể tiếp tục cơ chế làm việc như hiện nay. Vụ phóng vệ tinh thất bại gần đây nhất cho thấy mức độ sa sút không thể biện minh được của ngành này”.
Tổng thống Nga Putin thì tin tưởng chương trình cải cách mạnh mẽ mà ông vừa ký cuối năm 2013 sẽ không quá muộn để vực dậy ngành công nghiệp này. Đây cũng là một phần trong kế hoạch thúc đẩy nước Nga trở thành một siêu cường về công nghệ cao, mà một trong những hướng đi là “hồi sinh” các trung tâm nghiên cứu và ngành công nghiệp mũi nhọn thời Liên Xô.
Với sự quyết tâm và những kế hoạch cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chủ trương của Tổng thống Putin, Nga đang tràn trề hy vọng ngành công nghiệp vũ trụ của nước này sẽ sớm trở lại thời hoàng kim.
Dư Hưng (Theo Reuters)