Cuộc đấu tranh của Việt Nam trong lòng những người bạn Anh

Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng có sự ủng hộ không nhỏ của những người yêu chuộng hòa bình từ khắp nơi trên thế giới. Sau 40 năm kể từ ngày hòa bình lập lại ở Việt Nam, nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có những người bạn Anh, vẫn thủy chung sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước cũng như giải quyết hậu quả chiến tranh.

Ông Len Aldis - Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt.


Chúng tôi tới thăm ông Len Aldis, Thư ký Hội hữu nghị Anh - Việt khi ông đang chuẩn bị hành lý cho chuyến thăm Việt Nam dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thật xúc động khi thấy trong căn hộ giản dị của ông ở phía Đông thủ đô London, xung quanh bốn bức tường phòng khách là những bức ảnh lưu niệm về những lần ông đến Việt Nam, Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước trao tặng, bằng khen từ các Hội đoàn, tổ chức ở Việt Nam cùng vô số những vật lưu niệm về Việt Nam được treo và bày trang trọng. Tất cả như một bằng chứng cho thấy sự gắn bó mật thiết của ông với đất nước dù ở cách xa Anh hàng nghìn dặm nhưng luôn gần gũi như quê hương.

Trong ký ức của mình, ông Len vẫn nhớ như in về những ngày tháng mà tin tức về cuộc chiến ở Việt Nam chiếm lĩnh mọi mặt báo và bản tin thời sự quốc tế trên truyền hình Anh, khơi ngòi cho các phong trào phản chiến rầm rộ. Ông kể: "Ở Anh, đặc biệt là ở London và các thành phố khác, Scotland, Wales, vùng Trung Nguyên... đã diễn ra những cuộc tuần hành khổng lồ. Cảnh tượng thường thấy ở London thời ấy là mọi người tập trung biểu tình ở quảng trường Trafalgar, rồi sau đó tuần hành đến Đại sứ quán Mỹ ở quảng trường Grosvenor. Tôi cùng bạn bè đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình như vậy. Sự cảm thông của người dân ở đây với người dân Việt Nam được thấu hiểu thực sự".

Góc Việt Nam tại Bảo tàng và Triển lãm nghệ thuật Herbert- Coventry.



Việt Nam đã trở thành lý do chung để những người yêu chuộng hòa bình ở Anh và trên thế giới kết nối với nhau lên án sự phi nghĩa và tàn bạo của chiến tranh. Ông kể nhiều người như ông đã khóc khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, nhưng hậu quả tàn khốc mà vũ khí Mỹ để lại đến tận ngày nay, với bao nhiêu gia đình Việt Nam phải gánh chịu nỗi đau chất độc da cam, cần tiếp tục được dư luận thế giới biết tới. Đó là lý do suốt gần hai thập kỷ qua, ông Len Aldis đã miệt mài với hoạt động hỗ trợ và đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Ông đã trở thành người bạn vô cùng thân thiết của Việt Nam.

Ông bà Peter và Sheila Lacy.



Chúng tôi đến thành phố Coventry thăm gia đình ông bà Sheila và Peter Lacy, nguyên Chủ tịch Tổ chức viện trợ khoa học và y tế cho Việt Nam, Lào và Campuchia (MSAVLC). Ở thành phố lịch sử này, ông bà Lacy đã đưa chúng tôi tới thăm những di tích gắn với cuộc chiến Việt Nam. Đó là Nhà thờ St Micheal có từ thế kỷ 14 ở trung tâm thành phố. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà thờ bị ném bom khiến toàn bộ phần mái bị phá hủy, song người dân Coventry đã biến chứng tích chiến tranh này thành một biểu tượng cho hòa bình và sự tha thứ. Đặc biệt tại chính nơi này vào năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi đó là Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris, đã tới thăm và có một bài diễn thuyết về cuộc đấu tranh chính nghĩa cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam thu hút sự tham dự của đông đảo người dân Coventry.

Đó là gian trưng bày chủ đề "Hòa bình và Hòa giải" trong Bảo tàng và Triển lãm Nghệ thuật Herbert, nơi có tấm biểu ngữ lớn ghi dòng chữ "Chúng tôi sẽ tiếp tục lớn tiếng đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam cho đến khi nó hoàn toàn kết thúc" mà người dân Coventry sử dụng trong các cuộc xuống đường phản chiến khi xưa. Ông Peter chỉ cho chúng tôi chiếc bình nhỏ được làm từ chính mảnh vỡ máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam. Đây là món quà của bà Nguyễn Thị Bình tặng Tiến sĩ Madeleine Sharp, một bác sĩ gia đình ở Coventry, sáng lập viên tổ chức MSAVLC và có đóng góp rất lớn cho các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam. Nữ bác sĩ Sharp đã qua đời vì tuổi cao hồi tháng Giêng năm ngoái, nhưng bà đã di chúc hiến toàn bộ nhà cửa và tài sản cho tổ chức MSAVLC để tiếp tục các dự án nhân đạo giúp đỡ Việt Nam.

Nhà thờ St Micheal nơi bà Nguyễn Thị Bình từng diễn thuyết về cuộc đấu tranh của Việt Nam.



Ông Peter Lacy cho biết MSAVLC có mối quan tâm đặc biệt với Việt Nam, Lào và Campuchia từ 50 năm qua và sẽ tiếp tục các hoạt động nhân đạo giúp người dân ba nước khắc phục hậu quả chiến tranh. Không giấu được vẻ xúc động khi kể về những lần tới Việt Nam và tận mắt chứng kiến các bệnh nhân chất độc da cam, ông Peter Lacy nói: "Công việc của chúng tôi không phải là dựa trên những tin tức trên báo chí hay truyền hình mà kể câu chuyện Việt Nam đúng như thực tế của nó. Thật dễ để giấu đi những em bé bị dị tật nghiêm trọng, những bà mẹ sinh con trong điều kiện thiếu vệ sinh. Nhưng chúng tôi đo sự giúp đỡ là những bệnh viện mới, những phòng sinh mới. Chúng tôi  phải nói, và nói thường xuyên với mọi người về những gì đang diễn ra và rằng ngay cả một khoản quyên góp nhỏ cũng có ích như thế nào".


Bài, ảnh: Đỗ Sinh - Lê Phương (PV TTXVN tại Anh)


Truyền hình Argentina phát chương trình đặc biệt về Việt Nam
Truyền hình Argentina phát chương trình đặc biệt về Việt Nam

Kênh truyền hình CBA24N của Argentina đã phát một chương trình đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam Việt Nam và trình chiếu bộ phim "Đừng đốt" của Điện ảnh Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN