Một góc Học viện Giáo dục Aomori Tanaka. |
Chúng tôi đến thành phố Aomori, tỉnh Aomori, vùng Đông Bắc Nhật Bản trong một ngày cuối tháng 12/2016. Mặc dù phải còn gần hai tuần nữa mới đến ngày Giáng sinh, song với bầu không khí buốt giá, tuyết trắng bao phủ khắp nơi, đường phố, mái nhà và những cây thông xanh ngắt, chúng tôi có cảm giác như lễ Giáng sinh đã đặt chân đến thành phố này.
Bước chân vào Học viện giáo dục Aomori Tanaka, đón chào chúng tôi là những tòa nhà hiện đại, những con đường, sân trường ngập tuyết trắng.
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện giáo dục Aomori Tanaka, ông Norihisha Ishida tâm sự: “Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Vì vậy, để có thể tự mình vượt qua khó khăn này, chúng tôi cần trang bị kiến thức kỹ thuật cho mình. Tiền thân của Học viện giáo dục Aomori Tanaka là Trường cao đẳng thời trang, là một ngôi trường có quy mô nhỏ. Tiếp đó, chúng tôi mở thêm trường Cao đẳng kế toán. Sau đó, chúng tôi phát triển thêm các trường cao đẳng nghề khác, trường Đại học Aomori Chuo, Trung tâm nghiên cứu, mở rộng quy mô của Học viện Giáo dục Aomori Tanaka.
Hiện tại Học viện Giáo dục Aomori Tanaka gồm trường Đại học Aomori Chuo Gakuin và ba trường Cao đẳng dạy nghề và nhiều cơ sở thực hành khác như nhà trẻ, viện dưỡng lão với tổng cộng gần 1.500 sinh viên. Tổ hợp này nằm ở trung tâm thành phố Aomori gồm nhiều tòa nhà, khu ký túc xá, sân chơi thể thao, khu sinh hoạt chung, nhà trẻ…
Phòng thực hành môn chăm sóc bệnh nhân, người già tại Khoa Bộ môn điều dưỡng. |
Đến thăm Khoa Luật và Quản trị Kinh doanh, một trong những chuyên ngành có bề dày của Đại học Aomori Chuo, chúng tôi được tham gia vào giờ học Hướng nghiệp. Đây là bộ môn đặc biệt, là ưu thế trong chuyên ngành này của Đại học Aomori Chuo. Các trường Đại học tại Nhật Bản đều có các buổi hướng dẫn đi phỏng vấn việc làm trước khi ra trường, song Aomori Chuo là trường đưa vấn đề này trở thành một môn học. Một trong những buổi học quan trọng của bộ môn hướng nghiệp là buổi thực hành trả lời phỏng vấn việc làm. Trường phối hợp với các doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp đến phỏng vấn sinh viên năm thứ ba của trường.
Phỏng vấn sẽ được tiến hành dưới nhiều hình thức gồm phỏng vấn nhóm ba người và phỏng vấn cá nhân. Các sinh viên lần lượt thực hành tham gia trả lời phỏng vấn và quan sát buổi phóng vấn. Sau mỗi lần phỏng vấn, các em sẽ được các doanh nghiệp rút kinh nghiệm. Đây là một trong những yếu tố khiến cho tỷ lệ tìm được việc làm của sinh viên tại Đại học Aomori Chuo đạt 100%.
Búp bê mô phỏng trẻ sơ sinh nằm trong lồng kính. |
Thế mạnh thứ hai của Aomori Tanaka chính là các chuyên ngành phúc lợi xã hội với bộ môn Điều dưỡng và Giáo viên mầm non. Đối với các chuyên ngành này, trường đã đầu tư những phòng thực hành hiện đại như phòng thực hành chăm sóc bệnh nhân, người già, phòng thực hành hộ sinh, phòng thực hành âm nhạc… để sinh viên được thực hành những kỹ năng cần thiết trong công việc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Phòng học dạy đàn piano cho sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non với hàng chục cây đàn piano xếp hàng trong phòng học được xem là một bộ môn quan trọng để các kỹ sư tâm hồn tương lai có thể truyền một đời sống tinh thần phong phú cho trẻ em. Chuyên ngành giáo dục mầm non có những giờ học khá thú vị. Chúng tôi đã được chứng kiến hai buổi học khá sôi động là giờ học origami và giờ học bàn tính.
Khoa đào tạo điều dưỡng viên chăm sóc người già và y sĩ đa khoa cũng là một khoa thế mạnh của Aomori Tanaka với các dụng cụ phòng học thực hành được đầu tư bài bản, với búp bê có trọng lượng bằng người thật, các búp bê mô phỏng người bệnh có mạch máu, nhịp tim. Tại phòng thực hành bộ môn hộ sinh, ngoài các thiết bị dành cho một phòng hộ sinh thông thường như xe đẩy, lồng kính nuôi các bé sinh non, máy sưởi, bồn tắm…, phòng học này còn được trang bị các búp bê mô phỏng hình các bé mới sinh, các giáo cụ trực quan về liên quan đến thai nhi nhằm giúp cho sinh viên có hình dung sát với thực tế nhất về công việc mà họ sẽ làm trong tương lai.
Hai em Lê Tuấn Lâm và Lê Gia Bảo, sinh viên Việt Nam theo học tại trường Aomori Chuo. |
Đại học Amori Chuo còn là một trong những trường Đại học Nhật Bản có chương trình liên kết đào tạo chặt chẽ với các trường tại Việt Nam. Hiện nay trường có gần 70 sinh viên Việt Nam theo học, xuất phát từ các chương trình liên kết với Đại học Ngoại thương, Trường PTTH Chu Văn An - Hà Nội, Trường Lê Quý Đôn - Bình Định. Tất cả đều được bố trí ở ký túc xá tại trường, được hỗ trợ các vật dụng cần thiết trong những ngày đầu nhập học. Các sinh viên Việt Nam du học tại trường đều được sắp xếp vào các chương trình đào tạo phù hợp để giúp cho các em có thể bắt nhịp với bài học ở trường. Tất cả các em đều tỏ ra hài lòng với cuộc sống và môi trường học tập tại đây.
Một ngày tại Đại học Aomori Chuo, tự mình tham gia vào các buổi học, tôi đã phần nào hiểu được sự tín nhiệm và tự hào mà các sinh viên nơi đây dành cho ngôi trường thân yêu của mình. Phương pháp đào tạo học đi đôi với hành, bám sát thực tiễn của tổ hợp giáo dục này. Có lẽ đây chính là câu trả lời cho sự lớn mạnh của Học viện này, với một trường cao đẳng thời trang năm 1946, đến nay, đã trở thành một tổ hợp giáo dục hàng đầu địa phương.
Không gian học nhóm tại thư viện trường Aomori Chuo. Thư viện này có khoảng 85.000 đầu sách, DVD, CD, sách 3D… là nơi cung cấp kiến thức lý tưởng không chỉ với sinh viên tại đây mà còn đối với người dân quanh vùng. Đây còn là nơi học tập lý tưởng cho các em sinh viên, được phân ra thành nhiều khu vực gồm không gian mở, không gian kín dành cho các nhóm hoặc các cá nhân. |