Trong khi có hàng triệu người trên thế giới háo hức với đám cưới Hoàng gia Anh giữa Hoàng tử William với bạn gái lâu năm Kate Middleton sắp tới thì cũng có không ít người ngán ngẩm rằng không biết bao giờ sự ồn ào này sẽ kết thúc.
Hoàng tử William và vợ sắp cưới Kate Middleton. |
Nếu có hàng triệu thần dân của Vương quốc Anh muốn biết khách mời của đám cưới là những ai, bánh cưới hình thù ra sao, váy cưới do hãng thời trang nào thiết kế, xe hoa trang trí như thế nào... thì cũng không có gì ngạc nhiên khi một số đông không kém lại có tâm trạng "nẫu ruột" với đám cưới Hoàng gia như vậy. Trên các phương tiện truyền thông Anh, những câu chuyện về đám cưới sắp diễn ra ngày 29/4 tới được xếp kề với những sự kiện chẳng lấy gì làm vui vẻ của thế giới đầy biến động, nào là trận động đất-sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, cuộc chiến vô tiền khoáng hậu ở Libi. Ngay trên xứ sở sương mù, tin vui về đám cưới không át đi được nỗi bức xúc của người dân trước kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ, tình trạng thất nghiệp rồi lạm phát tăng vọt. Vì vậy chẳng ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng họ không háo hức gì với đám cưới sắp tới.
"Tôi đã chán ngấy những tin tức về đám cưới", một nghiên cứu sinh 24 tuổi, có tên Andreas Dopner thuộc trường Cao đẳng Imperial ở Luân Đôn cho biết. "Bạn thấy nó trên ti vi, trên Internet, khắp mọi nơi. Tôi nghĩ rằng số tiền cho đám cưới có thể dùng vào những việc khác hữu ích hơn", Andreas nói.
Đối với giới kinh doanh Anh, đám cưới là một tin tốt lành. Mối quan tâm quốc tế đối với sự kiện này hứa hẹn mang lại những nhân tố “kiếm lời” béo bở như kéo theo một lượng du khách ngoại quốc đến Anh, cùng với đó là doanh thu tăng ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cùng các điểm đến du lịch liên quan Hoàng gia Anh khác.
Một chiếc cốc có in hình Hoàng tử và vợ sắp cưới. |
Nhưng không phải là không có ngoại lệ với hàng triệu người Anh sẵn sàng ra nước ngoài, lý do là nhờ đám cưới này, ơn trời, lại diễn ra đúng vào giữa kỳ nghỉ lễ Phục sinh với kỳ nghỉ Ngày Quốc tế Lao động, và đã được chính phủ Anh tuyên bố là ngày nghỉ lễ toàn quốc. Những công chức “lanh lẹ” sẽ tính ra ngay được rằng họ sắp có một kỳ nghỉ kéo dài liền tù tì tới 11 ngày mà thực chất chỉ được nghỉ làm có 3 ngày thôi. "Dĩ nhiên tôi đã tận dụng cơ hội hiếm có này để tự thưởng mình một chuyến nghỉ”, Sean Tipton thuộc Hiệp hội Du lịch Anh nói.
Những người vẫn ở lại Anh vào ngày 29/4 sẽ chứng kiến hai thái cực với đám cưới Hoàng gia: Một đằng là hàng chục nghìn người đứng dọc hai bên đường nơi xe hoa sẽ đi để chào mừng đôi tân lang, tân giai nhân cùng hàng triệu người chứng kiến đám cưới trên truyền hình trực tiếp, và một đằng là hàng triệu người khác cố gắng phớt lờ nó.
Theo cảm nhận của sinh viên William Dobson, đám cưới Hoàng gia có ý nghĩa với những thế hệ lớn tuổi, còn giới trẻ quan tâm tới việc có một cuối tuần vui vẻ nhiều hơn là xem đám cưới. Thậm chí đã có những người tìm cách “chạy trốn” đám cưới Hoàng gia bằng cách tổ chức hội trại mang tên “Trốn thoát đám cưới” ở tận vùng ngoại ô.
Ở miền tây nam nước Anh, Trung tâm nghệ thuật Trinity tổ chức tiệc cưới Hoàng gia thay thế với các trò chơi cho trẻ con, các DJ và dịch vụ cưới “giả vờ” cho phép khách mời trải nghiệm cảm giác “lên xe hoa” với một người bạn hay thậm chí một người hoàn toàn xa lạ.
Nhiều người chúc Kate và William trăm năm hạnh phúc, song họ lại phát ốm với không khí thương mại hóa xung quanh đám cưới này khi dường như không có chi tiết nào là “quá nhỏ để ăn mừng”. Điện Buckingham tiết lộ băng video về các loại bánh dành cho đám cưới, trong đó có chiếc bánh cưới làm bằng hoa quả được quảng cáo là càng để lâu càng ngon.
Trên cửa kính các cửa hàng quà tặng trên toàn quốc là những vật phẩm lưu niệm dành riêng cho đám cưới, trong đó có nào là tem thư, điện thoại thông minh cho tới bình hoa, đĩa sứ, móc đeo chìa khóa, gạt tàn thuốc lá…
Một trong những phòng tranh ở Luân Đôn thậm chí còn có những sáng kiến “kỳ quái” khi trưng bày những túi ốm có in hình cặp đôi Kate-William bằng màu tím và vàng vương giả, do họa sĩ Lydia Leith thiết kế.
Ellie Phillips, người giúp điều hành phòng tranh mang tên “Ghen tị” (Jealous), cho biết họ đã bán được hàng chục chiếc túi, được làm ra nhằm mục đích chế giễu khía cạnh “thương mại hóa đến cùng” của đám cưới. “Chúng tôi không chống lại bản chất sự kiện này”, cô nói. “Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc mang mọi người sát lại gần nhau hơn. Điều chúng tôi phê phán ở đây là nó đã bị thương mại hóa nhanh chóng và trở thành cơ hội để những vật phẩm rẻ tiền, được làm không cẩn thận tung ra thị trường”.
Theo một nhóm có tên “Cộng hòa” (Republic) từng vận động nhiều năm qua để nước Anh từ bỏ chế độ quân chủ, sự tôn kính đối với Hoàng gia đã phai nhạt đi dần kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi gần 6 thập kỷ trước và kể từ khi cả nước Anh say mê chiêm ngưỡng đám cưới như mơ của Hoàng tử Charles và Công nương Diana Spencer tại nhà thờ St. Paul's năm 1981. Cặp đôi này đã sinh ra hai hoàng tử William và Harry nhưng hôn nhân của họ đã kết thúc bằng một vụ li hôn bẽ bàng. Người phát ngôn của nhóm “Cộng hòa”, Graham Brian Smith nói: “Thời thế bây giờ đã khác, nay không phải là năm 1981 hay 1952, nay là năm 2011 và mọi người có nhiều thứ để bận tâm hơn là đám cưới chẳng liên quan gì tới họ”.
Đỗ Sinh (theo AP)