Theo kết quả nghiên cứu kể trên, việc sản xuất bitcoin để bắt kịp nhu cầu đang ngày càng gia tăng đến năm 2033 có thể làm “phá sản” mục tiêu giới hạn sự ấm lên toàn cầu ở mức 2°C.
Được thông qua tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu quy định một loạt biện pháp để bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 - 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, bitcoin là một đồng tiền kỹ thuật số có yêu cầu cần các máy vi tính tiêu thụ rất nhiều năng lượng, đồng nghĩa với việc để sản xuất bitcoin cần tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. Năm 2017, việc sản xuất và sử dụng bitcoin ước tính đã thải ra 69 triệu tấn CO2 quy đổi.
“Đào” bitcoin là một hình thức kinh doanh sinh lời cao, khi 1 bitcoin hiện đổi được khoảng 6.300 USD. Và khi mà đồng tiền ảo này ngày càng trở nên phổ biến, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể tiêu thụ lượng điện năng đủ để thải ra khoảng 230 tỷ tấn CO2 trong 15 năm.
Katie Taladay, đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết khí thải từ giao thông, xây dựng nhà ở và thực phẩm hiện được xem là những yếu tố chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, và nghiên cứu này cho thấy bitcoin có thể được bổ sung thêm vào danh sách này.
Tuy nhiên, bà Katrina Kelly-Pitou, một nhà nghiên cứu của Đại học University of Pittsburgh, cho biết một dấu hiệu đáng mừng là hoạt động “đào” bitcoin đang ngày càng có hiệu suất cao hơn về mặt năng lượng, khi những người “đào” bitcoin đang chuyển ra khỏi những địa điểm như Trung Quốc, nơi sử dụng điện năng được sản xuất từ than đá, sang những nước thân thiện với môi trường hơn như Iceland và Mỹ.