Trả lời hãng thông tấn AFP ngày 23/10, chuyên gia Kelly Lambert tại Đại học Richmond (Mỹ) cho biết nghiên cứu của họ không chỉ nâng cao sự hiểu biết của con người về bộ não tinh vi của loài chuột, mà còn giúp phát triển một hình thức điều trị không sử dụng thuốc đối với các chứng bệnh tâm thần trong tương lai.
Bà Lambert chia sẻ mình đặc biệt quan tâm đến tính khả biến thần kinh (neuroplasticity) – cách thức não bộ thay đổi để thích ứng với các trải nghiệm và thử thách – cũng như muốn khám phá cách loài chuột được nuôi trong môi trường giống tự nhiên hơn lại có thể học kỹ năng mới tốt hơn chuột nuôi trong phòng thí nghiệm.
Bà cùng các đồng nghiệp đã chế ra một chiếc ô tô mô hình sử dụng chai nhựa trong suốt để làm khoang lái với một tấm nhôm đặt làm sàn xe. Họ luồn sợi dây đồng theo chiều ngang của mặt trước của chiếc xe để tạo thành ba thanh: trái, giữa và phải. Khi chuột chui vào bên trong, chạm vào sợi dây đồng, bảng mạch của xe được khởi động và chiếc xe sẽ di chuyển theo hướng được chọn.
Họ đã huấn luyện 17 con chuột trong vài tháng để lái xe quanh một khán đài dài 150cm, rộng 60cm làm bằng thủy tinh. Kết quả, họ phát hiện hoàn toàn có thể huấn luyện loài chuột lái xe về phía trước cũng như chuyển hướng trái – phải trong các mô hình phức tạp hơn. (Xem video dưới đây. Nguồn: Daily Mail)
Nhóm nhà khoa học đã lấy mẫu phân chuột sau quá trình huấn luyện để xét nghiệm hoóc-môn corticosterone gây căng thẳng và hoóc-môn dehydroepiandrosterone giúp giảm căng thẳng.
Tất cả những chú chuột trải qua quá trình lái xe đi tìm thức ăn đều có mức dehydroepiandrosterone cao hơn, cho thấy tinh thần của chúng được thư giãn hơn. Hiện tượng này có thể lý giải bằng hành vi thỏa mãn sau khi thành thạo một kỹ năng mới, tương tự sự tự tin ở con người.