Tại một thư viện người ở London (Anh), những tình nguyện viên làm “sách sống” ngồi xung quanh một chiếc bàn tròn và mặc một chiếc áo lụa vàng có in dòng chữ “book” (sách). Để mượn được một người, “độc giả” sẽ được đưa một bản danh sách liệt kê các chủ đề. Sau khi chọn được chủ đề muốn khám phá, họ sẽ được dẫn đến khu vực trò chuyện, trao đổi với những người sẵn sàng kể câu chuyện cuộc đời mình trong một khoảng thời gian nhất định. Một “cuốn sách” có thể được mượn trong 4 ngày, mỗi ngày 30 phút. Độc giả có thể hỏi tình nguyện viên bất kể điều gì họ muốn biết.
Độc giả trò chuyện với “sách sống” ở thư viện người Toronto. |
Các tình nguyện viên này đều có một khoảng thời gian khó khăn trong quá khứ. Có người nghiện ngập, có người vô gia cư hay có người phải chịu chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Teresa - một tình nguyện viên trong thư viện người ở London - chia sẻ: “Tôi là một người mắc chứng sợ nơi công cộng. Có những lần tôi ở lỳ trong nhà suốt 12 tuần”. Giải thích lý do vì sao cô quyết định tham gia hoạt động này, Teresa cho biết “để mọi người không có định kiến cô là một người lười biếng và cũng để đối mặt dần với nỗi sợ hãi”.
Sáng kiến thư viện người được bắt đầu từ Đan Mạch do một tổ chức phi chính phủ có tên gọi “Ngăn chặn bạo lực” nghĩ ra. Sau đó, mô hình này lan rộng ra tới hơn 70 nước trên thế giới, bao gồm Australia, Singapore, Mỹ... với sự hỗ trợ từ Hội đồng châu Âu. Mục đích ban đầu của việc thành lập thư viện người nằm trong chiến dịch xã hội sử dụng trò chuyện để xóa bỏ định kiến và thành kiến. Hoạt động này giúp tạo ra cơ hội để mọi người lắng nghe câu chuyện từ những người mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp gỡ trong cuộc sống thường nhật.
Trả lời phỏng vấn tờ Upworthy, nhà sáng lập tổ chức “Ngăn chặn bạo lực” - Ronni Abergel - cho biết thư viện người là khoảng không gian an toàn để độc giả có thể hỏi những câu hỏi khó, nhạy cảm và người trả lời cũng không bị đánh giá. Đây chính xác là nơi mà mọi người cần để phá vỡ mọi rào cản, xóa bỏ mọi áp đặt. “Đây là mô hình thư viện không đưa ra quan điểm, cũng như chưa bao giờ đóng vai trò định hướng người khác. Nó chỉ cung cấp thông tin sẵn có cho người cần”, cô Abergel giải thích.
Bên cạnh mục đích kết nối mọi người, thư viện này còn là nơi để độc giả có thể tiếp cận kiến thức mới. Anh Osborne - người mở một thư viện người ở London - cho hay có nhiều độc giả đã thay đổi hoàn toàn định kiến với người tị nạn khi đến đây. Họ biết rằng người tị nạn không có quyền làm việc và vì vậy không thể lấy mất cơ hội việc làm của người Anh. Claire Carney - một tình nguyện viên tham gia cơ sở ở Preston (Anh) - chia sẻ: Nhiều người đến đây ngỡ ngàng khi biết “AIDS không lây truyền qua nước bọt” hay “một người phụ nữ mù có thể sinh con như bình thường”.
Đối với những “cuốn sách” có trong thư viện người, họ được lựa chọn theo một quy trình nghiêm ngặt. Tiêu chí của các thư viện đi theo mô hình này là tập hợp được một nhóm người đại diện cho toàn xã hội. Tổ chức “Ngăn chặn bạo lực” sẽ làm việc với chủ thư viện để dạy các tình nguyện viên cải thiện kỹ năng giao tiếp, và có một số kiến thức nhất định để giải quyết được một số câu hỏi khó hay nhạy cảm.
“Chúng tôi tìm cách đảm bảo ‘sách’ của mình ở trong tình trạng tốt, không phải là về mặt thể chất, ngoại hình, mà là tinh thần. Không dễ dàng gì để trở thành một cuốn sách trong thư viện người. Bạn phải hi sinh rất nhiều trong quá khứ và phải vượt qua nỗi sợ hãi mới có thể tâm sự câu chuyện của mình cho nhiều người khác”, cô Abergel chia sẻ.