Đội quân "những người mới nghèo" ở châu Âu

Lâm vào tình trạng túng thiếu do các biện pháp khắc khổ của chính phủ và tỷ lệ thất nghiệp leo thang, hàng triệu người châu Âu đã gia nhập đội quân "những người mới nghèo" trong năm 2012, khi khủng hoảng kinh tế không nương tay với người già, phụ nữ hay trẻ em.


Đói nghèo tấn công cả tầng lớp trung lưu ở khu vực Nam Âu, nhấn chìm các nước phải xin cứu trợ quốc tế như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, và làm điêu đứng cả các đối thủ "nặng ký" như Tây Ban Nha và Italia, các nền kinh tế nằm trong top 4 của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).


Người dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ hồi tháng 10/2012. Ảnh: AFP


Mercedes Gonzalez, một phụ nữ Tây Ban Nha 52 tuổi, với thu nhập chưa đầy 800 euro (1.000 USD)/tháng, phải nuôi gia đình thất nghiệp của mình ở Fuenlabrada, ngoại ô Mađrít. Hồi tháng 7/2012, người phụ nữ này vẫn nhận được 426 euro tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà nước dành cho những người thất nghiệp dài hạn. Nhưng khoản tiền trên đã bị giảm xuống 360 euro trong tháng 11 vừa qua, khi đợt tăng thuế doanh thu (bắt đầu từ ngày 1/9/2012) khiến giá thực phẩm cùng mọi chi phí sinh hoạt khác leo thang.


Tây Ban Nha đang phô bày toàn bộ những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng xã hội lớn: 1/4 lực lượng lao động không có việc làm, chính phủ "chi ly" ở mức chưa từng có; chi tiêu cho giáo dục và chăm sóc y tế sụt giảm; và hàng nghìn gia đình nợ ngập đầu bị mất nhà cửa. Mới đây, hai người dân Tây Ban Nha đã tìm đến cái chết khi nhà của họ có nguy cơ bị tịch thu. Tại Tây Ban Nha và các nước Nam Âu khác như Hy Lạp và Italia, cuộc khủng hoảng kinh tế đang gieo nỗi thất vọng không dễ nguôi ngoai.


Số phận của một thợ xây không có việc làm nhưng bị gánh nặng thuế “săn đuổi” đang làm rúng động dư luận Italia. Cuối tháng 3/2012, người thợ xây có tên là Giuseppe Campaniello đã tự thiêu ngoài cơ quan thuế và chết sau 9 ngày đau đớn cực độ. Tiziana Marrone, 48 tuổi, vợ Giuseppe, nói: "Bạn không thể tưởng tượng được một thợ nề “tự làm tự ăn” phải nộp thuế ngay cả trong những tháng ngày không làm việc. Giuseppe không được giúp đỡ. Anh cảm thấy bị dồn đến chân tường". Bản thân bà Marrone đang trong tình trạng tuyệt vọng vì phải “thừa kế” món nợ lớn của chồng, trong khi chỉ có khoản tiền trợ cấp 450 euro/tháng. Marrone phải cậy nhờ cả bà mẹ già có lương hưu để tồn tại.


Trong khi đó, tại Hy Lạp, nhiều người dân đành tìm đến giải pháp tha hương cầu thực. Hồi tháng 4/2012, một nhà hóa học 77 tuổi ở nước này đã bắn vào đầu và để lại thư tuyệt mệnh cáo buộc chính phủ đã tước đi các nguồn sống của ông. Ở xứ sở thần thoại này, nơi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong số các nước công nghiệp hóa (lên đến 25,4% trong tháng 8/2012), cuộc khủng hoảng đã đánh vào người dân mạnh hơn bất kỳ nước nào ở Nam Âu: năm 2011, 31% người dân có nguy cơ bị đói nghèo hoặc bị đẩy ra lề xã hội, so với mức trung bình 24,2% tính trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu (EU).


George Tsouvalakis, 31 tuổi, làm nghề mộc và vợ Lia, 30 tuổi, cùng cô con gái Angelina 2 tuổi, đang tìm cách rời đất nước nhưng lại không chịu nổi tiền vé máy bay. Thu nhập của họ giảm từ mức 2.500 euro/tháng trước khi có khủng hoảng xuống chỉ còn 0 - 400 euro/tháng.


Tình hình ở Bồ đào Nha cũng tương tự, 24,4% dân số có nguy cơ đói nghèo hoặc bị đẩy ra lề xã hội. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ về nghệ thuật kịch tại trường đại học danh tiếng Coimbra University, Nilce Carvalho, 29 tuổi, không thể lấy được bằng vì khoản nợ chồng chất sau khi chính phủ giảm trợ cấp từ 400 euro xuống 98 euro. Trên Facebook, người phụ nữ trẻ đã phải xin trợ giúp để vượt qua tình trạng “đáng tủi thẹn” này.


Các tổ chức nhân đạo đang rất lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đến phụ nữ và trẻ em. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính có 2,2 triệu trẻ em sống dưới mức nghèo tại Tây Ban Nha. Trong khi đó, ở Bồ Đào Nha, Bộ Giáo dục cảnh báo chỉ trong 20 ngày, số học sinh bị thiếu thực phẩm đã tăng từ 10.000 lên 13.000 em.


Ngay cả những người hưởng lương hưu, trong đó không ít người phải lo toan cho cả gia đình họ, cũng không còn nằm trong nhóm "an toàn" nữa khi chính phủ cánh hữu tại Tây Ban Nha thông báo trợ cấp lương hưu năm 2013 sẽ thấp hơn dự kiến. Mới đây, hàng nghìn bác sĩ và nhân viên y tế đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Mađrít để phản đối kế hoạch tư nhân hóa một số dịch vụ y tế ở nước này.



TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN