Đóng góp "khủng" của ngành thời trang đối với kinh tế Anh quốc

Công bố gần đây của Hội đồng thời trang Vương quốc Anh (BFC) đã gây nhiều ngạc nhiên về "sức nặng" của ngành tôn vinh sắc đẹp này đối với nền kinh tế “xứ sở sương mù”.

Trong xã hội hiện đại, ngành công nghiệp sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những lĩnh vực nổi nhất trong ngành công nghiệp sáng tạo chính là thời trang.

Lĩnh vực thời trang đóng góp gần 26 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh.


Theo báo cáo mới nhất của BFC, lĩnh vực thời trang đóng góp gần 26 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh, tăng 22% từ mức 21 tỷ bảng ghi nhận trong năm 2009. Con số trên cao gấp hai lần quy mô của ngành công nghiệp ô tô và gần tương đương mức đóng góp của lĩnh vực nhà đất tại Anh quốc.

Ngành công nghiệp thời trang bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất vải dệt, thiết kế, bán buôn, bán lẻ, tiếp thị, sản xuất hàng may mặc, đến giáo dục và truyền thông. Đóng góp đáng kể vào tổng giá trị ngành công nghiệp là doanh thu từ lĩnh vực tiếp thị, truyền thông và đào tạo lao động trong ngành. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Oxford Economics, lĩnh vực thời trang giúp tạo ra 797.000 việc làm cho nền kinh tế Anh.

Một yếu tố quan trọng khác là giá trị thương hiệu. Hãng thời trang danh tiếng 158 năm tuổi Burberry, một trong những biểu tượng của nước Anh, có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất trong Top 100 thương hiệu cao cấp năm 2014. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Millward Brown, giá trị thương hiệu của Burberry đã tăng 42% trong năm 2014.

Đối với giới thời trang, có lẽ không ai xa lạ với Tuần lễ thời trang London (LFW), một trong bốn tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới bên cạnh New York, Milan và Paris. Được tổ chức hai lần/năm, sự kiện này từng chỉ là chương trình mang tính thương mại và chào hàng, song đến nay, LFW được coi là “bộ mặt” của ngành công nghiệp thời trang Anh quốc. LFW ảnh hưởng tới du lịch, doanh số bán lẻ và thu hút sự chú ý của chuyên gia trong ngành, tín đồ yêu thời trang cũng như báo giới. Chỉ trong năm ngày diễn ra sự kiện này, giá trị các đơn đặt hàng ước lên tới khoảng 100 triệu bảng, trong đó 2/3 số đơn hàng là của khách hàng quốc tế. Ngành công nghiệp thời trang nước Anh đang mở rộng sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với thị trường tiềm năng trên phạm vi toàn cầu.

Vương quốc Anh hiện là thị trường bán lẻ hàng xa xỉ lớn thứ ba ở châu Âu, sau Italy (I-ta-li-a) và Pháp. Nước Anh hiện chỉ chiếm khoảng 15,8% tổng doanh số bán lẻ các mặt hàng cao cấp ở "lục địa Già", tương đương 17,6 tỷ USD, song nước này dự kiến con số trên sẽ tăng 19,6% vào năm 2018 và qua mặt cả Italy cùng Pháp. Theo bà Maureen Hinton, Giám đốc nhóm nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu về thị trường bán lẻ Conlumino, sức hấp dẫn của “xứ sở sương mù” đối với những "con nghiện" hàng hiệu có thể giúp London “soán ngôi” các kinh đô thời trang Milan và Paris.


Mai Ly (TTXVN)
Ngắm nhìn phụ kiện thời trang xuân hè 2015
Ngắm nhìn phụ kiện thời trang xuân hè 2015

Xu hướng thời trang Xuân-Hè 2015 không chỉ được chú trọng vào thiết kế các bộ trang phục, mà những phụ kiện độc đáo, mới lạ cũng là một điểm nhấn không kém phần quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN