Tăng trưởng kinh tế của Philippines là điểm sáng nhất trong các nước Đông Nam Á, đạt 6,5%, chỉ xếp sau Trung Quốc, quốc gia đứng đầu châu Á. Theo Cục Thống kê Nhà nước Philippines, việc thực thi quy mô các dự án hạ tầng chi tiêu công cộng và đà phục hồi nhanh chóng của nông nghiệp đã giúp tăng trưởng kinh tế trong quý II nước này tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý I, cao hơn dự báo thị trường.
Các tòa nhà đang được xây dựng tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quan chức cao cấp phụ trách công việc quy hoạch kinh tế Cục Thống kê Nhà nước Philippines cho biết tăng trưởng kinh tế trong cả năm của nước này có thể đạt 7,5%. Thậm chí, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trong nhiệm kỳ Tổng thống Philippines Duterter cũng có thể được thực hiện.
Trong quý II/2017, tăng trưởng kinh tế của Malaysia đạt 5,8%, cao hơn dự báo thị trường trước đó là 5,4%, đồng thời lập kỷ lục trong hơn hai năm qua. Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm lên đến 4,8%, so với mức dự báo trước đó chỉ là 4,3%.
Theo giới phân tích, nguyên nhân giúp kinh tế Malaysia phục hồi nhanh chóng là nhu cầu trong nước mạnh mẽ cùng xuất khẩu tăng tốc, tăng trưởng của nhiều ngành nghề như xây dựng, chế tạo, dịch vụ… đều tăng rõ rệt, lạm phát giảm tới mức khá ôn hòa là 4%, đồng ringgit Malaysia lũy kế tăng giá 4,5% so với đồng USD trong sáu tháng đầu năm nay.
Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng đạt 3,7%, lập kỷ lục trong hơn bốn năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo thị trường trước đó là 3,2%. Khác với cách làm kích cầu trong nước của các nước khác, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, chủ yếu dựa vào đà xuất khẩu mạnh, ngành du lịch phát triển nhanh chóng và đồng baht tăng mạnh vững chắc. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng tăng trưởng kinh tế trong cả năm của Thái Lan có thể đạt 4%.