Trên mặt nước vùng vịnh xanh trong, tĩnh lặng, hình ảnh năm chiếc thuyền buồm truyền thống nhấp nhô lên xuống nhẹ nhàng gợi lại một bức tranh xưa ở Qatar từ những ngày khí đốt và dầu mỏ còn chưa được biết đến.Một chiếc thuyền tham dự cuộc thi bắt trai ngọc. Ảnh: AFP |
Dưới cái nắng giữa ngày, những người đàn ông làm nghề thợ lặn biến mất bên dưới mặt nước ở độ sâu khoảng 6m, không cần đến thiết bị bảo hộ lao động. Những người khỏe nhất có thể ở dưới nước khoảng 90 giây trước khi phải ngoi lên hít thở dưỡng khí. Họ đang ấp ủ hy vọng giành được một khoản tiền thưởng ngon nghẻ, với giải nhất trị giá khoảng 110.000 USD trong khuôn khổ sự kiện lặn lớn nhất hàng năm ở Qatar.
Trong một bầu không khí cạnh tranh giữa nắng và gió biển, con thuyền nào cũng trở nên nhộn nhạo với đủ loại âm thanh từ nhiều loại hoạt động khác nhau. Mỗi đội chơi có 5 thợ lặn, và cả 5 người này đều không ngớt lời chỉ dẫn nhau cách tìm được nhiều trai ngọc nhất. Cứ hễ mỗi bận một thợ lặn quay lại mặt nước với thành quả là một túi đầy trai ngọc, tiếng hò reo của đám đông trên thuyền lại vang lên, lẫn trong đó có cả những lời thách thức nhau giữa những con thuyền đối thủ.
Muốn giành được chiến thắng, các đội chơi không chỉ cần thợ lặn giỏi mà còn phải có hoa tiêu cừ. Để làm được công việc này, người đảm nhận vai trò hoa tiêu trưởng phải hội tụ được hai tố chất: Thứ nhất, đó phải là người nhạy bén, biết chọn đúng địa điểm có nhiều trai ngọc để neo thuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội tác nghiệp; thứ hai, vị hoa tiêu trưởng này cũng đồng thời phải biết cách “dày mặt” để hứng chịu “búa rìu dư luận” mỗi bận không may lạc tay chọn nhầm vị trí.
Ngoài ra, hiện diện trên các con thuyền còn có những anh nuôi chịu trách nhiệm cung cấp sôcôla, thịt và nước uống để thợ lặn bổ sung năng lượng, lẫn cả những nhân vật được giao trọng trách đếm số trai ngọc đã khai thác được.
Những chú trai ngọc được bắt từ đáy biển. Ảnh: AFP |
Trong khuôn khổ cuộc thi, trai ngọc là chủ thể trung tâm. Đó là lí do các đội chơi sẽ không được phép cạy vỏ trai để bảo vệ loài sinh vật nhuyễn thể này. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn đề ra tiêu chí bảo quản để xếp hạng các đội chơi. Vị thuyền trưởng Suda của một trong năm con thuyền chia sẻ: “Họ đã quyết định sẽ đếm số trai ngọc thay vì chỉ đếm số viên ngọc bởi vì họ tin rằng chúng tôi nên thu thập trai và sau đó trả chúng về với biển”.
Theo yêu cầu của ban giám khảo, để cuộc thi hàng năm không làm ảnh hưởng đến loài trai ngọc, số trai bắt được phải được ngâm trong nước trước khi được trả về môi trường sống tự nhiên. Bởi mục đích của cuộc thi, nói như thợ lặn Abdullah Bilal trên con tuyền của thuyền trưởng Sada, không chỉ là tiền, mà còn là nhằm gìn giữ một di sản của Qatar.
Trong lịch sử, nghề mò trai ngọc từng biến mất ở Qatar, và nhiều người có tâm huyết muốn “khôi phục nghề, đặc biệt là với giới trẻ, những người có năng lượng và sự nhiệt tình”.
Nhà tổ chức cuộc thi Jehad Al-Jaidah cho biết, mục đích của giải là nhằm khơi gợi lại sự hấp dẫn của biển cả với người dân Qatar, giúp họ nhớ lại những ngày tháng mà cuộc sống của người dân phụ thuộc vào biển cả. “Hầu hết người dân Qatar sinh ra gần biển. Dựa vào biển để mưu sinh từng là cách kiếm sống của họ. Hầu hết người Qatar từng đi biển hai hoặc 3 lần một tuần”, ông nói.
Từ thời xa xưa cho đến những năm 50 của thế kỉ trước, lặn tìm ngọc trai là một trong những ngành công nghiệp chính của Qatar. Mùa bắt trai ngọc kèo dài từ tháng 5 đến ít nhất là tháng 8. Vào thời điểm này trong năm, thợ lặn lênh đênh trên biển, sống dựa vào số thức ăn tích trữ trên thuyền. Họ liều mình thu thập đủ số ngọc trai để có tiền chu cấp cho gia đình trước khi mùa đông đến. Nhưng câu chuyện về nghề tìm trai ngọc đã thay đổi “khi dầu mỏ xuất hiện”.
Ngày nay, dẫu hiện đại và hùng mạnh với những tòa nhà kính cao chọc trời, Qatar dù ít dù nhiều vẫn không thể tách biệt hoàn toàn với quá khứ huy hoàng nơi biển cả. Có những thương nhân năm xưa từng bán thực phẩm cho thợ lặn, giờ buôn bán từ xe sang, du thuyền cho đến trang sức cho những người Qatar rủng rỉnh túi.