Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích thời hiện đại là cuộc giải cứu lịch sử 33 thợ mỏ hồi năm 2010, từng thu hút sự quan tâm của cả thế giới, ngành du lịch Chilê vừa đưa ra một loại hình du lịch mới, cho phép du khách tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những khó khăn, thử thách mà những người thợ mỏ đã trải qua trong 69 ngày bị mắc kẹt trong lòng đất.
Khu mỏ Chiflon del Diablo gần thành phố biển Lota là một hầm mỏ lâu đời, hoạt động từ khoảng cuối thế kỷ 19, song đến năm 1997 đã bị chính phủ Chilê đóng cửa do làm ăn thua lỗ. Nay khu mỏ này được cải tạo thành một điểm du lịch và khi đến đây, du khách được thử cảm giác mạo hiểm khi được đưa xuống độ sâu gần 50 m bằng một thang máy nhỏ hẹp.
Ông Roberto Rojas, từng là một thợ mỏ làm việc tại đây hơn 10 năm, đang hướng dẫn một nhóm khách du lịch đội mũ bảo hộ có gắn đèn pha để bắt đầu hành trình khám phá bóng tối và không gian chật hẹp, tù túng - môi trường làm việc khắc nghiệt của các thợ mỏ trong nhiều năm qua.
Du khách thăm mỏ Chiflon del Diablo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dưới lòng đất lạnh lẽo và ẩm thấp, ông Rojas chỉ cho các du khách thấy một chiếc lồng sắt đã hoen gỉ theo thời gian. Chiếc lồng này như một "chứng tích" gợi nhớ lại những hiểm họa có thể xảy đến trong công việc khai thác mỏ cũng như những thảm kịch khủng khiếp trong quá khứ.
Ông Rojas giải thích đó là một chiếc lồng chim, từng được sử dụng để dò tìm khí mêtan, một loại khí không mùi độc hại và có thể gây tử vong. Khi con chim được nhốt trong lồng chết, đó là dấu hiệu cho thấy có khí độc dưới hầm và tất cả thợ mỏ đều nhanh chóng sơ tán khỏi hầm.
Nhóm du khách, trong đó có nhiều gia đình đến từ thủ đô Xantiagô và cả du khách nước ngoài, tiếp tục theo chân ông Rojas khám phá hệ thống đường hầm được xây dựng kiên cố với các thanh xà bằng gỗ. Càng đi sâu vào đường hầm, du khách càng phải thận trọng cúi đầu do trần đường hầm ngày càng thấp. Tại đây, họ tham quan khu mỏ than, nơi các thợ mỏ thường nghỉ ngơi, ăn uống hoặc giặt giũ...
Khi tour khám phá hầm mỏ chuẩn bị kết thúc, ông Rojas yêu cầu nhóm du khách tắt đèn pha gắn trên mũ để trải nghiệm môi trường tối đen, ẩm thấp và tù túng mà các thợ mỏ vẫn thường xuyên tiếp xúc trong công việc thường ngày của họ.
Ông Rojas giải thích rằng con cái của những thợ mỏ bắt đầu "nối nghiệp" cha ông chúng khi mới chỉ 8 tuổi và thường sử dụng dây thừng buộc theo các bức tường của đường hầm để giúp tìm đường trong bóng tối. Theo ông Rojas, bất cứ ai có ý định khám phá hầm mỏ cũng sẽ yêu thích việc này.
Tuy nhiên, không phải tất cả hầm mỏ đều được "đặc cách" như tại khu mỏ Chiflon del Diablo. Đơn cử như khu mỏ đồng và vàng San Jose thuộc miền bắc Chilê, nơi xảy ra vụ sập hầm mỏ và diễn ra cuộc giải cứu lịch sử kể trên, nhà chức trách không có kế hoạch mở cửa trở lại cũng như cho phép bất kỳ thợ mỏ hoặc du khách xuống khu mỏ này.
Chính phủ Chilê đã chính thức đóng cửa mỏ San Jose sau cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử ngành mỏ nước này. Còn tại Lota, nơi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 17,4%, các thợ mỏ đã phải nghỉ việc và tìm các công việc khác sau một thời gian dài gắn bó với nghề khai thác mỏ.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành mỏ và một số đề xuất khác đã gợi ra một hướng đi mới trong việc giới thiệu loại hình du lịch "hầm mỏ" cho các du khách ưa khám phá mạo hiểm. Các công ty du lịch đang đưa ra nhiều gói du lịch hấp dẫn với điểm đến là các khu hầm mỏ miền bắc Chilê cũng như nhiều khu mỏ đồng đã đóng cửa khác, trong đó có một hầm mỏ ở "thành phố ma" Sewell.
Ông Miguel Reyes, một thợ mỏ về hưu và hiện bán hàng lưu niệm tại một điểm du lịch nổi tiếng, cho biết ông vẫn nuôi hy vọng rằng các khu mỏ sẽ mở cửa trở lại trong thời gian tới. Ông cho biết: "Có những mỏ than có thể khai thác trong khoảng 500 năm, và với những nhà máy điện mới được xây dựng, các khu mỏ có thể mở cửa trở lại".
Thúy An (Theo AFP)