“Tôi quyết định trải nghiệm một Giacácta thực sự”, Rohaizad Abu Bakar - một du khách nước ngoài - cho biết trong khi đang dò dẫm bước qua những vũng nước bẩn, thi thoảng vài con chuột thoăn thoắt chạy qua chạy lại.
Nhà sáng lập “Jacarta Hidden Tour”, Ronny Poluan (trái) nói chuyện với một du khách nước ngoài. |
Bakar, 28 tuổi, nhân viên ngân hàng người Xinhgapo, cho biết, anh không thể tin vào mắt mình khi lang thang quanh một khu ổ chuột ở thủ đô Inđônêxia. Đó là một bãi khổng lồ gồm hàng trăm túp lều rách rưới, có những túp lều nằm cách đường ray tàu hỏa chỉ không đầy một mét. Gần chỗ anh đứng, một bé gái đang ngửa cổ tu nốt chai nước quả bỏ đi, trong khi một người đàn ông mặc chiếc quần soóc tả tơi ngồi xuống một chiếc đệm cũ bẩn thỉu. Chỉ có một tấm vải nhựa màu xanh chăng trên đầu làm nơi trú mưa nắng cho họ.
Bakar đã từ chối các tour du lịch danh lam thắng cảnh nằm rải rác khắp đất nước vạn đảo để tham gia “Jakarta Secret Journey” (Hành trình bí ẩn Giacácta), một chương trình du lịch “khám phá” những vùng nghèo khó của Inđônêxia. “Jakarta Secret Journey” là một tổ chức phi lợi nhuận được đạo diễn phim tài liệu người Inđônêxia, Ronny Poluan (59 tuổi), thành lập vào năm 2008.
“Chúng tôi có khoảng 10 tour du lịch mỗi tháng, mỗi tour có khoảng 2 - 4 khách. Nhưng ngày càng có nhiều người tìm đến Inđônêxia chỉ để tham gia chương trình du lịch của chúng tôi”, ông Poluan cho biết. Theo ông, những du khách tham gia “Jakarta Secret Journey” không chỉ là “Tây balô” mà còn là các doanh nhân và những chủ ngân hàng giàu có.
Hình thức “du lịch ổ chuột” đang phát triển rất mạnh ở Giacácta. Các nhà tổ chức cho rằng, loại hình du lịch này rất hữu ích khi nó mở rộng nhận thức của mọi người và góp phần thu hút viện trợ nhân đạo cho thành phố này. Những năm gần đây, “du lịch ổ chuột” đã bùng nổ khắp thế giới, từ các ngóc ngách của thành phố Rio de Janeiro (Braxin) đến các khu ổ chuột của Dharavi ở Mumbai (Ấn Độ) - vốn đã trở nên nổi tiếng kể từ sau bộ phim đoạt Oscar “Slumdog Millionaire” (Triệu phú khu ổ chuột).
Cư dân các khu ổ chuột có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Mỗi khách tham gia “du lịch ổ chuột” sẽ trả 500.000 rupiah (54 USD) cho một chuyến đi. Một nửa số tiền này sẽ chi cho công ty tổ chức tour và phần còn lại được chuyển tới quỹ hỗ trợ tài chính cho các dự án dành cho người nghèo, hoặc trả tiền cho những chuyến thăm khám của nhân viên y tế tới những khu dân cư nghèo khó.
Hình thức “du lịch ổ chuột” vấp phải một số ý kiến chỉ trích. “Tôi phản đối biến các khu ổ chuột thành điểm du lịch”, bà Wardah Hafidz, một nhà hoạt động xã hội, bày tỏ quan điểm. Theo bà Hafidz, cư dân các khu ổ chuột sẽ trở nên lệ thuộc vào những khoản từ tâm, khiến họ không còn tin tưởng vào khả năng tự đứng bằng hai chân của mình hoặc nỗ lực thoát khỏi nghèo túng.
Tuy nhiên, các cư dân ổ chuột lại nghĩ khác. “Tôi thích các du khách nước ngoài biết về cuộc sống của chúng tôi. Đó không phải là điều xấu”, ông Djoki, một người đàn ông tuổi ngũ tuần nói trong khi đang bóc lớp nhãn trên đống vỏ chai trước khi bán chúng cho nhà máy xử lý phế thải. Không chỉ ông Djoki, những du khách nước ngoài cũng ủng hộ “Jakarta Secret Journey”. “Nếu không nhìn thấy thực tế, có lẽ là tôi sẽ chẳng bao giờ giúp được gì cho họ (những cư dân khu ổ chuột” - bà Caroline Bourget, giáo viên một trường Pháp ngữ tại Giacácta, cho biết. Hiện bà đang vận động xây dựng một ngôi trường tại các khu ổ chuột để trẻ em nghèo có cơ hội học hành.
Thu Hằng (tổng hợp)