Ngày Lương thực thế giới năm nay (16/10) được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lựa chọn chủ đề “Canh tác hộ gia đình: Nuôi dưỡng thế giới, chăm sóc Trái đất”. Chủ đề này có nội hàm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao nhận thức cộng đồng, nắm rõ hơn về các nhu cầu, tiềm năng và thách thức của canh tác hộ gia đình và cuối cùng là tạo sức mạnh phát triển bền vững.
Canh tác hộ gia đình là hình thức sản xuất lương thực chủ yếu tại các nước đang phát triển. |
Canh tác hộ gia đình bao gồm tất cả các hoạt động nông nghiệp trong quy mô gia đình. Đây là hình thức sản xuất lương thực chủ yếu tại những nước phát triển và đang phát triển.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới có hơn 570 triệu nông trại và 500 triệu trong số đó do các hộ gia đình làm chủ, sản xuất ra khoảng 56% tổng sản phẩm trong nông nghiệp. Chính vì vậy, hình thức canh tác này có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xóa đói giảm nghèo cũng như an ninh lương thực của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Để nuôi dưỡng các mô hình mới về sản xuất nông nghiệp tại gia đình, FAO cho rằng cần chú trọng đầu tư vào thanh niên và phụ nữ. Hiện nay độ tuổi trung bình của nông dân đang cao dần lên do lớp trẻ theo nhau rời bỏ vùng nông thôn đi tìm kiếm một cuộc sống khá hơn ở thành thị. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lập nghiệp tại thành phố bởi sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Bởi vậy, trong khi ngành nông nghiệp cần sức trẻ để phát triển thì đội ngũ thanh niên cũng nên nhận thức được rằng ngành nông nghiệp chính là một cánh cửa giúp họ thoát khỏi cảnh thất nghiệp.
Trong khi đó, gần 70% nông dân tại các nước đang phát triển là phụ nữ. Tình trạng bất bình đẳng giới tính vẫn hạn chế quyền của người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, khiến họ khó tiếp cận với đất đai, thiếu tự chủ trong kinh tế và trồng trọt. Nếu tất cả phụ nữ được thoải mái tiếp cận công nghệ mới, được đào tạo và làm chủ các nguồn tài nguyên thì họ sẽ góp phần nâng cao sản lượng lương thực của cả thế giới, có thể tăng lên từ 20 - 30%, giúp hơn 100 triệu người thoát khỏi nạn đói.
FAO cho rằng để tạo được nền tảng cho một nền nông nghiệp ổn định, giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, chính phủ các nước và các viện nghiên cứu chính sách cần đưa ra cũng như thực hiện các chính sách tuyên truyền, nâng cao nhận thức hướng đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và thanh niên, bảo đảm sự tiếp cận và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của họ. Bên cạnh đó các nhà chính sách cũng cần lập ra các chương trình đào tạo lâu dài về kỹ năng canh tác, tiếp thị và kinh doanh nhằm giúp người nông dân thu được hiệu quả cao nhất từ canh tác hộ gia đình.
Những chính sách cải cách mới sẽ cung cấp cơ hội làm kinh tế cho giới trẻ cũng như giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh niên ở nông thôn. Ngoài việc nâng cao trình độ cho nông dân, các chương trình hỗ trợ mới sẽ đào tạo ra các nhà kinh doanh thực phẩm, chuyên gia nông nghiệp, cán bộ khuyến nông hay những nhà giáo dục, nhà lập pháp... có thể góp sức lực và trí tuệ vào công cuộc bảo đảm sự bền vững của hệ thống lương thực trong tương lai.
Kể từ năm 1945, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã chọn ngày 16/10 hàng năm làm Ngày Lương thực thế giới nhằm chống lại nạn đói trên toàn cầu. Theo số liệu mới nhất của FAO, năm 2013 có hơn 842 triệu người đói ăn trên toàn cầu, 98% trường hợp này xảy ra tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi. |
Hoàng Trang