Fukushima 5 năm sau thảm họa hạt nhân

Người dân tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản, vẫn đang phải khắc phục vô số các vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế dù nửa thập kỷ đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận động đất - sóng thần kinh hoàng ngày 11/3/2011 kéo theo thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Lò phản ứng hạt nhân số 4 (phía sau) tại nhà máy Takahama, Nhật Bản tháng 1/2016. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Theo các đánh giá mới nhất của Bộ Môi trường Nhật Bản, công tác xử lý ô nhiễm, trong đó có việc làm sạch chất nhiễm xạ, sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986, vẫn đang diễn ra tại 1/3 số thành phố bị ảnh hưởng trong thảm họa hạt nhân cách đây 5 năm. Một báo cáo của Đài NHK (Nhật Bản) cho thấy trong số 43 thành phố tại tỉnh Fukushima, chỉ có 14 thành phố hoàn toàn sạch ô nhiễm.

Thảm họa động đất - sóng thần đã làm gần 16.000 người thiệt mạng. Theo con số thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản và của Cơ quan Tái thiết, hơn 3.400 người sống sót sau thảm họa năm 2011 đã qua đời vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến thảm họa này, đa số ở tỉnh Fukushima (chiếm 58%).

Trong khi đó, tính đến ngày 12/2 vừa qua, 174.471 người vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà tạm hoặc phải đi ở nhờ nhà người thân. 43.139 người dân Fukushima vẫn đang sống ở ngoài tỉnh này, trong khi những gia đình có trẻ em từ chối trở về. Tỷ lệ sinh cũng giảm mạnh sau thảm họa. Tại 12 thành phố thuộc các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate dân số giảm hơn 10% sau thảm họa, và một nửa số thành phố này chứng kiến mức giảm tới hơn 20%.

Theo kết quả thăm dò do hãng tin Kyodo công bố ngày 7/3, có 42% người được hỏi cho biết điều kiện sống của họ không thay đổi chút nào, nhưng 37% cho biết tình hình đã xấu đi đáng kể, trong khi 11% nói rằng họ đang phải vật lộn để sống. Các số liệu cho thấy 37% người dân bị giảm thu nhập, 22% hoàn toàn không có thu nhập gì, trong khi các sức ép chi tiêu hộ gia đình như ăn uống, đi lại và những vật dụng thiết yếu ngày càng tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Mới đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết khoảng 2.400 ngôi trường công có thể bị sập nếu xảy ra một trận động đất mạnh cấp 6 trở lên (trên thang đo 7 cấp của Nhật Bản). Chính quyền địa phương cho biết những khó khăn về tài chính đã kìm hãm tiến độ nâng cấp xây dựng trên cả nước dành cho các trường công.

Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy đa số quan chức cấp tỉnh vẫn tỏ ra do dự trước khả năng tái sử dụng điện hạt nhân. Cuộc thăm dò của Kyodo cho thấy 13 tỉnh trưởng ở các tỉnh có nhà máy điện hạt nhân (tức 44,6% người được hỏi) muốn giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, trong khi hơn 20% muốn xóa bỏ hoàn toàn loại năng lượng này trong tương lai.

Ông Hirohiko Izumida, Tỉnh trưởng Niigata, trên đảo Honshu (Tây Bắc Nhật Bản), cho biết các điều tra về thảm họa Fukushima cần được tiến hành kỹ lưỡng hơn và "không thể thiếu" đối với việc hoạch định chính sách tương lai của tỉnh. Trong khi đó Tỉnh trưởng Saga, thuộc đảo chính Kyushu xa nhất về phía Tây Nam, bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trong trung và dài hạn.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng đã đến lúc nước này phải từ bỏ năng lượng hạt nhân. Theo ông Kan, 5 năm vừa qua cho thấy Nhật Bản hoàn toàn có thể đảm bảo đủ điện năng phục vụ sinh hoạt và sản xuất mà không cần các nhà máy điện hạt nhân.

Vì vậy, nên tránh những rủi ro lớn từ việc sử dụng các nhà máy hạt nhân, thay vào đó, nên tập trung hơn vào các nguồn năng lượng tái sinh để thay đổi nguồn cung điện. Ông cũng cho rằng thảm họa hạt nhân chưa kết thúc vì "nước nhiễm xạ vẫn rò rỉ từ các lò phản ứng. Nhiều nguyên liệu phóng xạ đã rò rỉ trong khi các mảnh vụn hạt nhân còn lại trong lò phản ứng đang tan chảy".

Hiện tại việc khắc phục hậu quả tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vẫn chỉ ở những bước đầu và ước tính sẽ phải mất từ 30-40 năm để hoàn tất khối lượng công việc. Tháng trước, ba cựu giám đốc điều hành của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ sở hữu nhà máy, đã chính thức bị buộc tội thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo các biện pháp an toàn để ngăn chặn thảm họa hạt nhân năm 2011.

Các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã phải ngừng hoạt động để tiến hành các kiểm tra an toàn sau thảm họa trên. Tuy nhiên, chính phủ trung ương dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy chính sách tái khởi động các lò phản ứng và đặt mục tiêu đến năm 2030 điện hạt nhân sẽ chiếm ít nhất 20% trong hệ thống điện năng toàn quốc.

TTXVN/Tin Tức
Fukushima – điểm mở đầu cho "du lịch tưởng niệm"
Fukushima – điểm mở đầu cho "du lịch tưởng niệm"

Hàng năm, có đến hơn 2.000 khách du lịch mạo hiểm đăng kí đến thăm các di tích bị phóng xạ ảnh hưởng tại Fukushima (Nhật Bản).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN