Bà Kathryn Curow (trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney. Ảnh: Sao Băng |
Bà gây bất ngờ cho chúng tôi khi xuất hiện trong bộ áo dài màu xanh truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Bà bảo do biết được các phóng viên TTXVN thường trú tại Sydney đến phỏng vấn ghi hình nên “lại có cơ hội được diện chiếc áo yêu thích này”. Với thái độ niềm nở, dễ mến và rất đỗi chân tình, bà khiến chúng tôi quên hẳn mệt mỏi sau quãng đường hơn 40km tìm đến văn phòng của bà ở Westmead, phía Tây Sydney. Chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà, được gặp lại một người thân, một người bạn lâu ngày xa cách dù đây là lần đầu tiên được gặp bà.
Bà là Giáo sư Kathryn Currow, Trưởng khoa nhi và chăm sóc trẻ em, Đại học Sydney; Giám đốc Chương trình đào tạo trực tuyến từ xa chuyên khoa Nhi sau đại học (IPPC) cho các bác sỹ nhi Australia, Việt Nam và hơn 10 nước khác. Sở dĩ bà dành cho chúng tôi những tình cảm như vậy khi đón tiếp là vì bà “đặc biệt có cảm tình với các giáo sư, y bác sỹ Việt Nam”, những người mà bà từng tiếp xúc trực tiếp trong những chuyến công tác sang Việt Nam hoặc gián tiếp qua các bài giảng qua mạng Internet.
Chương trình đào tạo trực tuyến từ xa chuyên khoa Nhi sau đại học do bà phụ trách là khóa học kéo dài 1 năm, bán thời gian, thuộc Mạng lưới bệnh viện nhi Sydney và trường Đại học Sydney. Chương trình là sự chia sẻ kiến thức từ nhiều chuyên gia ở Sydney nhằm mục đích nâng cao kiến thức, sự tự tin và kỹ năng cho bác sỹ chữa trị cho trẻ em và thanh thiếu niên. Chương trình này rất thành công không chỉ ở Australia mà còn ở 18 quốc gia và khu vực khác, trong đó có Việt Nam, bởi nội dung đào tạo sát với nhu cầu thực tế về các vấn đề sức khỏe mà trẻ em ở chính địa phương đó thường gặp.
Vào Việt Nam từ năm 2009, chương trình được thử nghiệm đầu tiên ở trường Đại học Y Dược Hải Phòng và nay trở nên rất quen thuộc ở Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội cũng như Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình bao gồm 110 bài giảng, mỗi tuần 2 giờ, nội dung bao phủ tất cả các chủ đề thường gặp trong thực hành lâm sàng nhi khoa như: cấp cứu nhi khoa, sơ sinh, hô hấp, thần kinh, u bướu, thận, nội tiết, chuyển hóa, di truyền, thận, huyết học lâm sàng, tim mạch, tiêu hóa, dinh dưỡng, da liễu, chỉnh hình nhi... Toàn bộ nội dung trong khóa học đều do các giáo sư, bác sĩ là chuyên gia hàng đầu của Australia chuyên khoa sâu trong lĩnh vực nhi khoa tham gia giảng dạy qua mạng Internet.
Giáo sư Kathryn cho biết bà rất vui vì những phản hồi tích cực từ phía học viên cũng như các giáo sư, bác sỹ Việt Nam về chương trình. Họ đều đánh giá mô hình đào tạo mới này rất hiệu quả vì cho phép học viên chủ động thời gian tự học, giúp các bác sĩ nâng cao kiến thức toàn diện về lĩnh vực nhi khoa, đáp ứng đúng nhu cầu mà họ đang cần và cải thiện đáng kể trình độ tiếng Anh, đặc biệt trong chuyên ngành y.
Bà nói: “Thật là tuyệt vời và tôi coi là một đặc ân khi được làm việc với các đồng nghiệp ở những nơi như Việt Nam trong việc giúp các bác sỹ tăng cường kiến thức và kỹ năng trong điều trị cho trẻ em. Tất cả học viên của IPPC đều sôi nổi, nhiệt tình. Họ đều mong muốn được học hỏi và thực sự muốn tìm hiểu các tiêu chuẩn quốc tế trong việc chăm sóc trẻ em từ Australia và mong mỏi cải thiện sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Các trợ giảng ở Việt Nam cũng thực sự tận tâm và muốn giúp đào tạo các bác sỹ, nhằm đem lại sức khỏe và lợi ích cho trẻ em”. Bà cho biết Giáo sư Lê Thanh Hải, hiện là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, từng là trợ giảng cho IPPC trước khi trở thành giám đốc bệnh viện. Bây giờ ông đòi hỏi mỗi bác sỹ mới của mình phải tham dự IPPC vì ông muốn có sự chữa trị xuất sắc cho trẻ em tại bệnh viện của mình.
Chính vì thế khi tôi nói rằng “Bà đã gián tiếp giúp đem lại nụ cười cho bệnh nhi và bố mẹ chúng”, bà cười tươi trả lời “Cô hoàn toàn đúng!”. Bà cho biết khi các bác sỹ áp dụng những kiến thức mới mà mình thu nhận được để cải thiện khả năng chữa trị cho trẻ em, sẽ tạo ra hạnh phúc cho tất cả xung quanh. Bà tâm sự rằng chính nụ cười trên gương mặt trẻ em và cha mẹ chúng là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bà.
Bà kể có nhiều câu chuyện khiến bà rất xúc động. Chẳng hạn một báo cáo sau khóa học của một bác sỹ ở Hà Nội viết về cách anh đã cứu được mạng sống mong manh của đứa trẻ như thế nào nhờ áp dụng trực tiếp kiến thức mới học được từ chương trình IPPC. Anh đến thăm khám cho đứa trẻ đang trong tình trạng nguy kịch và biết chính xác phải điều trị như thế nào, do đã gặp trong một bài giảng của IPPC. Chỉ trong vòng 2 phút, phương pháp điều trị được đưa ra và đứa trẻ được cứu sống.
Nằm trong khóa học có một phần để các học viên viết về một tình huống khó khăn trong nghề mà mình gặp phải và họ đã làm gì để giúp đứa trẻ, tạo ra sự khác biệt thực sự cho đứa trẻ đó. Câu chuyện về một trường hợp trong một bài viết của học viên từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khiến bà rơi nước mắt. Đó là về một nhóm bác sỹ đón nhận một em bé ở nông thôn có phát ban rất không bình thường. Họ đưa ra những chẩn đoán chính xác, nhưng gia đình em lại không có đủ tiền để chữa trị. Các bác sỹ đã giải quyết vấn đề này bằng cách đóng góp một phần tiền lương của mình để chi trả cho phí điều trị để em được trở về nhà trong tình trạng tốt. Bà nói: “Đối với tôi, đây là một ví dụ thực tế về việc giúp đỡ thông qua sự hy sinh cá nhân để tạo ra sự khác biệt cho trẻ em”.
Và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa từ Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong trái tim người phụ nữ xinh đẹp và nhân hậu ở cách đó hàng chục nghìn km. Bà biết ở Việt Nam còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nên cứ nghĩ đơn giản rằng nếu mỗi bác sỹ mỗi ngày trung bình khám chữa được 5 bệnh nhi thì cứ đào tạo thành công một bác sỹ là mỗi ngày sẽ lại có 5 bệnh nhi được hưởng niềm hạnh phúc. Con số sẽ cứ nhân rộng ra khi bác sỹ đó tiếp tục truyền đạt kiến thức cho các đồng nghiệp xung quanh. Bà còn ước muốn không chỉ phổ biến chương trình này tới các tỉnh thành khác mà cả vùng sâu vùng xa để có thể đem lại nhiều hơn nữa nụ cười cho các bệnh nhi nghèo ở Việt Nam.