Một lượng lớn dân số thế giới đang ở trong tình trạng béo phì và mỗi năm có ít nhất khoảng 2,8 triệu người tử vong do dư thừa trọng lượng. Australia, một trong những quốc gia phát triển có tỉ lệ quá cân và béo phì cao nhất thế giới, đang tìm giải pháp để xử lí vấn nạn này.
Nên tránh những thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo và đường để chống thừa cân. Ảnh: Internet |
Theo tính toán của trường đại học Monash (Melbourne, Australia), nếu tình trạng tăng cân của người Australia tiếp tục ở mức độ hiện nay thì gần 80% người trưởng thành của quốc gia này sẽ bị quá cân hoặc béo phì vào năm 2025.
Nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn nạn này, các chuyên gia thế giới đã tổ chức một hội thảo về dinh dưỡng và béo phì ở thành phố Sydney.
Tại anh, tại ả
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Bruce Neal của viện George nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu tại Sydney cho hay sự gia tăng số lượng các cửa hàng bán đồ ăn nhanh đa quốc gia là một nhân tố quan trọng, dẫn lối đến các loại thực phẩm béo hơn và tạo ra những người béo hơn.
Tốc độ xuất hiện những nhân tố gây bệnh mới nhanh không kém tốc độ loại bỏ các nhân tố cũ như bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn. Các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia khổng lồ đang “tung” ra thị trường muối, chất béo và đường, những chất gây ra tình trạng thừa cân.
Ông Neal khẳng định đây không phải là vấn đề của hành vi cá nhân mà là về sự thay đổi lớn của môi trường sống trong những thập kỉ vừa qua, kết quả của sự thành công trên diện rộng của ngành công nghiệp thực phẩm. Đáng tiếc là thành công này lại là thảm họa về sức khỏe cộng đồng trên một phạm vi gần như chưa từng có.
Nhưng trách nhiệm không chỉ nằm trong tay các nhà sản xuất, bởi có người bán vì có người mua. Chính người tiêu dùng cũng góp phần vào nạn béo phì khi lựa chọn nhiều thực phẩm hơn mức cần thiết. Nếu như trong quá khứ, việc tăng kích thước thực phẩm chỉ là một công cụ “marketing” của doanh nghiệp, thì giờ đây kích thước của chúng đã dần đi vào nhận thức của người tiêu dùng.
Phó giáo sư Tim Gill của trường đại học Sydney nói: “Khách hàng sẽ tìm kiếm giá trị bằng cách mua những loại thực phẩm có kích thước lớn hơn bởi chúng rẻ hơn”. Như vậy, theo ông, việc “cần ăn cái gì” và “có thể mua cái gì” đang bị nhập nhằng với nhau. Hơn thế nữa, phần đa người mua hàng đưa ra lựa chọn dựa vào giá thành sản phẩm hơn là giá trị dinh dưỡng.
Dán nhãn chống béo phì
Nhằm xử lí vấn đề này, Australia đang đưa vào áp dụng hệ thống đánh sao trên bao bì để nêu rõ giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Hệ thống này sẽ trở thành bắt buộc trong 2 năm tới đối với mọi nhà sản xuất, phân phối.
Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng chỉ mỗi việc dán nhãn lại có thể thay đổi hành vi của người mua hàng. Thay vào đó, chỉ khi các nhà cung cấp thực phẩm chịu thay đổi công thức sản xuất để tạo ra những loại thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe thì đó mới là thành công của hệ thống đánh sao này. Lúc đó, nguồn cung thực phẩm mới được thay đổi.
Mặt khác, giáo sư Jennie Brand-Miller của đại học Sydney lại cho rằng thực phẩm ít béo có thể không phải là yếu tố tốt nhất cho sức khỏe bởi vẫn còn đó những trường hợp sử dụng thực phẩm ít béo bị tăng cân trở lại.
Ông cho rằng mọi người cần chú tâm nhiều hơn đến việc thay đổi thói quen hấp thụ thực phẩm giàu protein vốn dĩ chứa nhiều chất béo và ít carbonhydrat, bởi carbonhydrat là thủ phạm chính gây ra mỡ thừa và cảm giác thèm ăn ngọt. Do đó, mọi người nên chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm ít carbonhydrat để xử lý triệt để vấn nạn béo phì.
Ngay lúc này, câu hỏi trọng tâm của vấn đề là trách nhiệm trong cuộc chiến chống béo phì sẽ thuộc về ai? Người tiêu dùng sẽ tự quyết định nhu cầu của họ hay ngành công nghiệp thực phẩm phải cung cấp những sản phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng?
Anh Minh (theo Xinhua)