Hai “điểm mù” của nước Mỹ

Khi 20 đứa trẻ từ 6-7 tuổi ngã xuống thương tâm trong làn đạn của một sát thủ có tiền sử bệnh tâm thần, tại thị trấn nhỏ bình yên của bang Connecticut, cả nước Mỹ lại một lần nữa rúng động. Thảm kịch tại trường Sandy Hook ở Newtown rõ ràng không thể được lau sạch chỉ bằng những giọt nước mắt của Tổng thống Barack Obama.


Nó buộc nước Mỹ phải đối mặt, hoặc ít nhất là đề cập, tới hai vấn đề mà các chính trị gia không bao giờ muốn giải quyết: Một là súng, và hai là sức khỏe tâm thần. Cả hai đều là những “điểm mù” lớn của nước Mỹ, nơi các chính trị gia cho rằng, vấn đề thứ nhất dẫn đến “tự sát bầu cử” còn vấn đề thứ hai thì nên “giấu dưới thảm” bởi “lực bất tòng tâm”.


Vẫn cơn ác mộng mang tên “súng”!


Một ngày trước khi tay súng Adam Lanza thảm sát 27 người tại Connecticut, các nhà lập pháp bang Michigan đã thông qua một đạo luật cho phép mang súng ngắn trong trường học. Cùng ngày đó, các nghị sĩ bang Ohio thông qua đạo luật khác cho phép để súng trong xe hơi tại garage nghị viện bang.


Trước đó trong tuần, một tòa án liên bang cũng đã bác bỏ một lệnh cấm mang súng ngắn tại bang Illinois. Còn tại Florida, giới chức bang này thông báo sẽ sớm ban hành giấy phép sở hữu súng thứ 1 triệu, thông qua chương trình có tên “Sức mạnh Một triệu”.


Cuộc tranh luận chính trị và pháp lý xung quanh các luật súng ống quốc gia vốn vẫn diễn ra theo một đường đi quen thuộc: hướng tới giảm bớt các giới hạn.


Nhưng nay, khi nước Mỹ đang bị thu hút bởi những thông tin về vụ thảm sát hàng chục trẻ em, cả phe ủng hộ lẫn phản đối kiểm soát súng đều đang đặt câu hỏi: liệu thảm kịch này có thể dẫn đến một sự thay đổi trên phạm vi bang hoặc quốc gia hay không.


Tổng thống Obama gạt nước mắt trên truyền hình sau vụ thảm sát. Ảnh: Internet


Phe chống súng cho rằng, chính chính sách lỏng lẻo trong việc kiểm soát súng đã khiến những cơn ác mộng xả súng vẫn tiếp diễn. Ông David Chipman, cố vấn Tổ chức Chống sử dụng vũ khí bất hợp pháp, nhận xét: “Tại Virginia, nơi tôi sống, nếu muốn mua một cốc bia, bạn sẽ phải trình chứng minh thư để chứng minh là bạn đã 21 tuổi. Song nếu muốn mua vũ khí, bạn có thể mua được mà không cần chứng minh thư và đủ độ tuổi đó”. Theo ông này, có tới 40% các giao dịch liên quan đến súng đạn tại Mỹ không được đề cập đến trong luật.


Các tờ báo lớn cũng sôi nổi tham gia tranh luận. Tờ New York Times khẳng định: “Càng nghe về việc kiểm soát súng đạn, chúng ta càng đánh mất niềm tin, trừ khi ông Obama và quốc hội hành động”. Tờ Boston Globe thì viết: “Đừng nói rằng đây là lúc thảo luận việc kiểm soát súng đạn. Đây là lúc chấm dứt thảo luận để hành động nghiêm túc”. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch thuộc phái bảo thủ cũng đặt câu hỏi trên trang Twitter: “Khi nào các chính trị gia có đủ dũng cảm để cấm súng máy?”.


Sát thủ Adam Lanza có tiền sử bị các vấn đề tâm thần. Ảnh: Internet


Sau vụ thảm sát đẫm máu, Tổng thống Obama đã đồng ý rằng nước Mỹ “không thể dung thứ cho hành động này thêm nữa. Những thảm kịch như thế phải chấm dứt, và để chấm dứt chúng, chúng ta phải thay đổi”.


Bài diễn văn này là lần thứ tư và có lời lẽ mạnh mẽ nhất mà ông Obama từng đưa ra sau một vụ thảm sát tại Mỹ kể từ khi ông lên nắm quyền. Những lần trước, nhà lãnh đạo Mỹ luôn tránh nhắc đến vấn đề kiểm soát súng, thay vào đó chỉ tập trung vào một thông điệp ít chia rẽ về chính trị hơn. Nhưng hôm 16/12, ông đã phá vỡ thông lệ khi đề cập tới bạo lực súng ống với lời kêu gọi một sự thay đổi về cả pháp lý lẫn văn hóa. Mặc dù vậy, ông Obama vẫn tránh cam kết tiến hành bất cứ hành động pháp lý cụ thể nào.


Một đạo luật về cấm súng ở Mỹ, tức là đi ngược lại với điều đã được quy định bất di bất dịch trong Hiến pháp Mỹ suốt hơn 200 năm qua, là điều gần như không tưởng. Giờ đây, những người chống súng chỉ trông đợi vào triển vọng khôi phục lệnh cấm vũ khí tấn công, vốn đã hết hiệu lực từ năm 2004, và đang được Tổng thống tuyên bố ủng hộ. Dự luật về cấm vũ khí tấn công dự kiến sẽ được Thượng nghị sĩ bang California, Dianne Feinstein, đệ trình lên quốc hội ngay khi bắt đầu kỳ họp kế tiếp vào tháng 1/2013.


Tuy nhiên, khi sự phẫn nộ sau vụ thảm sát ở Newtown lắng xuống, dự luật của bà Feinstein có thể sẽ gặp khó khăn trước những áp lực khổng lồ từ các nhóm vận động hành lang về buôn bán vũ khí, vốn có quyền lực chi phối trên khắp hệ thống chính trị tại Mỹ.


Đó là chưa kể dư luận Mỹ vẫn đang chia rẽ rất lớn về vấn đề kiểm soát súng. Một cuộc thăm dò do Washington Post/ABC vừa tiến hành cho thấy một sự chuyển biến trong quan điểm, với đa số hẹp coi xả súng không chỉ là một hành động đơn lẻ, mà là một phần của những vấn đề lớn hơn trong xã hội. Nhưng vẫn có ít thay đổi trong quan điểm đối với kiểm soát súng. Cuộc thăm dò này cho thấy tâm lý ủng hộ quyền sở hữu súng vẫn ăn sâu tại Mỹ, khi có tới 71% số người được hỏi phản đối một lệnh cấm bán súng ngắn.


Cuộc khủng hoảng với “mục tiêu mềm”


Thống kê năm 2010 cho thấy, cứ 5 người Mỹ trưởng thành thì có một người từng bị các bệnh lý về tâm thần (tương đương gần 50 triệu người), trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm tỉ lệ lớn. Ngoài ra, khoảng 6% dân số Mỹ từng bị ít nhất một vấn đề sức khỏe tâm thần nặng. Nhưng đây vẫn là một căn bệnh bị che giấu, khó chẩn đoán chính xác cũng như được chăm sóc một cách hiệu quả.


Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại Mỹ đã diễn ra từ rất lâu. Một trong những nguyên nhân chính là do tình trạng cắt giảm ngân sách. Các bang thường cân bằng ngân sách bằng cách “xà xẻo” vào các chương trình y tế công cộng. Bản thân thị trấn Newtown đã đóng cửa bệnh viện sức khỏe tâm thần từ năm 1995. Năm 2014, bang Alabama lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ các bệnh viện tâm thần ngoại trừ một viện phục vụ người già và những người hoạt động liên quan đến tội phạm. 


Theo Hiệp hội Giám đốc các Cơ quan y tế tâm thần bang, ít nhất 4,35 tỉ USD đã bị cắt giảm từ các quỹ sức khỏe tâm thần cộng đồng từ năm 2009 đến 2012. Giám đốc Dự án phòng chống bạo lực thanh thiếu niên bang Virginia cho rằng: “Nếu chúng ta chuẩn bị tập trung vào phòng chống bạo lực, chúng ta không thể chỉ nghĩ về tay súng trong bãi đỗ xe và điều gì hắn sắp làm, mà cần phải xem xét những thứ liên quan từ trước đó rất lâu”.


Người Mỹ biểu tình phản đối Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA) và kêu gọi bảo vệ trẻ em. Ảnh: Internet


Sức khỏe tâm thần là mục tiêu “mềm” nhất, bởi các nạn nhân thường ít nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Một gã đàn ông “bốc mùi” với bộ râu rối xù ngồi bên đường là người mà thông thường ai cũng né tránh. Nhưng một cậu thanh niên mặt mũi sáng sủa, ngồi cô độc, lại chẳng gây sự chú ý của bất cứ người nào.


Chính vì thế, sát thủ 20 tuổi Adam Lanzas đã che giấu được tâm thần bất ổn bên dưới vẻ ngoài phẳng lặng của hắn - một kẻ cô độc, không tiếp xúc với máy ảnh và ngại ngùng trong các quan hệ xã hội.


Adam đã khiến cả nước Mỹ rúng động khi xả súng bắn chết 20 em nhỏ và 6 người lớn sau khi sát hại chính mẹ đẻ của mình. Nay thì cuộc tranh luận tại Mỹ bắt đầu hướng tới nguyên nhân của cuộc thảm sát này cũng như hàng loạt vụ khác ở Aurora (bang Colorado), vụ trường trung học Columbine, vụ khu bảo tồn Hồ đỏ ở Minnesota hay vụ thảm sát tại Đại học Công nghệ Virginia…


Đa số cho rằng, kiểm soát súng là câu trả lời, nhưng lại bỏ qua một thực tế: quá nhiều súng là một vấn đề lớn, nhưng quá ít sự chăm sóc về sức khỏe tâm thần cũng là chuyện không nhỏ. Bản thân Lanza được cho là có tiền sử mắc chứng asperger, một loại bệnh tự kỷ khiến hắn khó giao tiếp xã hội mặc dù là một học sinh cực kỳ thông minh.


Sau hàng thập kỷ phá bỏ các bệnh viện tâm thần nội trú và trung tâm y tế tâm thần cộng đồng, cũng như hàng thập kỷ các công ty bảo hiểm tuyên bố chỉ chi trả cho các nhân viên xã hội và y tá để điều trị cho ngay cả những bệnh nhân tâm thần loại nặng nhất hay những cá nhân có xu hướng bạo lực (thay vì cho cả các nhà tâm lý và bác sĩ tâm thần), ngày nay, nước Mỹ vẫn duy trì một hệ thống chăm sóc sức khỏe phớt lờ những người đang gánh chịu các triệu chứng bệnh tâm thần, trong đó có một số người, dù chỉ chiếm tỉ lệ cực nhỏ, sẽ dẫn đến bạo lực khủng khiếp như Adam Lanza.


Giữa một nền văn hóa súng đạn lan tràn từ sách báo, màn ảnh cho đến ngoài đời thực, người Mỹ thấp thỏm lo sợ một thảm kịch giống như ở Newtown có thể xảy đến bất cứ lúc nào nếu không có một hệ thống thực sự, một chiến lược thực sự để ngăn chặn.


Cho đến khi có được một hệ thống như vậy, khi nghe thấy một chính trị gia nổi tiếng hay một nhà lãnh đạo cộng đồng nào đó nói về kiểm soát súng như một giải pháp cho nạn bắn giết học đường, thì người ta lại nhớ rằng, Adam Lanza mắc bệnh tâm thần trong một đất nước không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thực sự, rằng hắn đã sử dụng vũ khí được mua hợp pháp bởi người mẹ xấu số, và rằng, hắn đã có thể dễ dàng sử dụng các biện pháp khác để gây ra những thương vong khủng khiếp.


Nước Mỹ đều biết họ không thể chần chừ thêm nữa trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn bạo lực, nhưng hai “điểm mù” súng và sức khỏe tâm thần vẫn là những thách thức khó có thể vượt qua.



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN