Đào tạo “chiến binh”
Đại học Hàn Quốc danh giá ở thủ đô Seoul có một chuyên ngành đặc biệt, trong đó các môn học mà tên được viết dưới dạng mã số còn danh tính của học viên được bảo mật. Đó chính là chương trình đào tạo phòng thủ mạng do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tài trợ, được triển khai năm 2011 và lứa học viên đầu tiên nhập học từ năm 2012. Các “chiến binh bàn phím” trẻ tuổi sẽ được miễn toàn bộ học phí với điều kiện họ phải cam kết phục vụ cho đơn vị phụ trách chiến tranh mạng của quân đội trong 7 năm.
Để được tuyển chọn vào chương trình này, học viên phải trải qua ba ngày phỏng vấn khắt khe, kiểm tra sức khỏe dưới sự giám sát của các quan chức quân đội cùng với các giáo sư của trường. Mỗi năm chỉ có tối đa 30 học viên được chọn, hầu hết là nam sinh. Theo Giáo sư Jeong Ik-rae, một chuyên gia an ninh thông tin phụ trách giảng dạy cho các “chiến binh bàn phím”, ngoài việc được miễn học phí, mỗi học viên còn được hỗ trợ 427 USD hàng tháng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Học viên Noh tại phòng Chiến tranh của Đại học Hàn Quốc tháng 6/2016. Ảnh: Reuters |
Hiện nay, chương trình giảng dạy có các môn như tấn công mạng, toán học, luật pháp và mật mã học. Trong quá trình đào tạo, học viên sẽ thiết lập các cuộc tấn công hoặc phòng thủ mạng giả thông qua các chương trình mô phỏng do các công ty an ninh cung cấp.
Giáo sư Jeong cho biết trường đã lấy hình mẫu từ chương trình Talpiot của Israel, vốn dùng để đào tạo các sinh viên ưu tú trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học ứng dụng và chiến đấu. Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ tập trung vào các lĩnh vực như an ninh mạng và phòng thủ tên lửa.
Noh, một học viên 21 tuổi, cho biết từ lâu đã có hứng thú với máy tính và an ninh mạng nên đã tham gia vào chương trình này. “Đây không phải là một gánh nặng về thời gian mà là một phần trong quá trình xây dựng sự nghiệp của tôi. Trở thành một chiến binh mạng nghĩa là cống hiến để phục vụ đất nước”, Noh nói.
Cuộc chiến bàn phím liên Triều
Hàn Quốc đào tạo “chiến binh bàn phím” trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp diễn kể từ khi chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Phía Hàn Quốc cho rằng ngoài chương trình hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên còn có một đội quân mạng mạnh mẽ được cho là đã gây ra nhiều vụ tấn công trong ba năm qua.
Năm 2013, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và đài phát thanh, khiến cho các hệ thống máy tính ngừng hoạt động suốt hơn một tuần. Hồi tháng 5 vừa qua, trang chủ của Không quân Hàn Quốc bị tin tặc, tình nghi là của Triều Tiên, tấn công. Mới đây, hôm 13/6, cảnh sát Hàn Quốc lại cáo buộc quốc gia láng giềng đã thâm nhập vào hơn 140.000 máy tính của 160 công ty và cơ quan Chính phủ Hàn Quốc để cài một mã độc, chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Triều Tiên đã phủ nhận mọi trách nhiệm đối với các vụ việc này.
Hàn Quốc sử dụng hệ thống mạng để kiểm soát mọi thứ, từ đường dây điện cho đến hệ thống ngân hàng. Điều này khiến Hàn Quốc rất dễ bị tấn công mạng. Sau nhiều cuộc tấn công như vậy, Hàn Quốc đã phải cật lực tăng cường lực lượng để ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng. Mặc dù đội quân mạng của Triều Tiên, ước tính đến năm 2015 là 6.000 người, hoàn toàn áp đảo lực lượng vỏn vẹn 500 người của Hàn Quốc, nhưng theo giáo sư Jeong, nếu có tài năng và được huấn luyện tốt thì số lượng ít hơn không phải là vấn đề.
Cùng với khóa học tại Đại học Hàn Quốc, lực lượng cảnh sát quốc gia đã củng cố lại khả năng phòng thủ mạng. Năm 2012, Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Hoạch định Tương lai Hàn Quốc cũng đã khởi xướng một chương trình đào tạo các tin tặc “mũ trắng” - các chuyên gia bảo vệ an ninh mạng.