Hàn Quốc đi lên từ Phong trào làng mới (P2)

Có một thế hệ phải hy sinh


Trong một lần trò chuyện với giáo sư Jo Che-hyun, chuyên gia Việt Nam học hàng đầu của Hàn Quốc, tôi có đề cập đến những thành tố khiến Hàn Quốc có động lực phát triển vượt bậc trong giai đoạn sau. Khi đó, giáo sư Jo đã nói rằng: Hàn Quốc đã có một thế hệ phải hy sinh vì sự phát triển của đất nước.

Những người Hàn Quốc, dù là trí thức hay lao động chân tay, đều đã làm việc cật lực để cống hiến cho đất nước.

Đó là thời kỳ những năm cuối thập niên 60 đến 70 của thế kỷ trước. Khi đó, những người Hàn Quốc, dù là trí thức hay lao động chân tay, đều đã làm việc cật lực để cống hiến cho đất nước. Ông kể rằng, tất cả thế hệ những người Hàn Quốc khi đó mỗi ngày chỉ được ngủ tối đa 4 giờ mà chủ yếu ngay tại công sở, nhà máy, trường học rồi lại tiếp tục làm việc. Những công nhân làm việc trong lĩnh vực dệt may, xây dựng đã vắt kiệt sức lao động trong những xưởng may và công trường mà điều kiện làm việc hết sức tồi tàn để mang về những đồng tiền quý báu cho đất nước.


Trở lại với Phong trào làng mới, các tài liệu ghi lại rằng ở mỗi làng khi đó đều có các điển hình lãnh đạo làng mới làm việc hoàn toàn tình nguyện. Mặc dù không có thù lao nhưng họ làm việc nhiệt tình, năng nổ với tư cách là người lập kế hoạch và thuyết phục người dân triển khai thực hiện các công trình. Bù đắp lại nhiệt tình quên mình vì sự nghiệp chung của những nhà lãnh đạo làng mới chỉ là sự tuyên dương trong các hội nghị báo cáo điển hình và sự công nhận của xã hội. Song có lẽ thời điểm đó, bất cứ nhà lãnh đạo làng mới nào cũng có chung cảm nhận rằng, sự bù đắp lớn nhất đối với họ chính là hình ảnh thay đổi trên làng quê của mình.


Phát huy văn hóa cộng đồng làng xã


Đối với các nước có nền nông nghiệp lúa nước, tập quán hiệp đồng làm việc trong làng xã tồn tại như hương ước. Tập quán làm đổi công là một đặc trưng trong văn hóa làng xã của Hàn Quốc. Phong trào làng mới đã tôn trọng và khuyến khích ý thức và tập quán hiệp đồng truyền thống này. Sự hiệp đồng phát triển diễn ra trong quy mô nhỏ của từng làng rồi mở rộng ra giữa các làng tạo nên sức lan tỏa, cộng hưởng và cả cạnh tranh, kích thích nhau cùng phát triển.


Theo bài viết đăng trên nhật báo Joongang Ilbo mới đây, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trực thuộc bộ ngoại giao, đã và đang cố gắng truyền thụ những kinh nghiệm của Phong trào làng mới tới các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Cốt lõi của Phong trào làng mới là khơi gợi, tạo động cơ và thúc đẩy quá trình hiệp đồng triển khai các dự án.

Cốt lõi của Phong trào làng mới được khái quát bằng tính “cần mẫn, tự lực vào hiệp đồng”. Sự phát triển của phong trào tại không gian làng xã ở nông thôn Hàn Quốc đã tạo nên bầu không khí thuận lợi để lớn mạnh, thực sự tạo ra những bước chuyển biến bộ mặt nông thôn Hàn Quốc.


Tuy nhiên, khi nhắc đến Phong trào làng mới ở Hàn Quốc, chúng ta chưa thấy nhắc đến những điểm chưa được và vấn đề thoái trào, biến tướng của cuộc vận động này trong những năm 1980. Thời báo Jongang Ilbo trong loạt bài mới đây đánh giá về Phong trào làng mới cho rằng, những người tổ chức trong Phong trào làng mới của những năm 1970 không ai khác ngoài các chức sắc của làng xã, địa phương. Nếu nói về tổ chức, khi đó chỉ có hiệp hội những nhà lãnh đạo làng mới. Bộ máy trung ương đã triệt để ngăn cản việc phong trào bị trục lợi và bị giới quan chức thao túng. Nhưng đến giai đoạn những năm 1980 thì cơ quan đầu não của Phong trào làng mới ra đời. Cùng với sự ra đời của cơ quan đầu não, Phong trào làng mới bị chi phối bởi nhiều thế lực và dần bị biến thái.


Thái Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN