Như rất nhiều chính trị gia và người nổi tiếng trên khắp hành tinh, Tổng thống Mỹ cũng có một trang Facebook để giao lưu với công chúng về những chính sách ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và nước Mỹ... Dạo quanh trang Facebook đó những ngày này, không khó để nhận ra ông đang muốn làm gì Những từ ngữ, hình ảnh, âm thanh đập vào tai, vào mắt, vào cảm nhận là biến đổi khí hậu, là cứu lấy hành tinh, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, là vấn đề kiểm soát vũ khí, là chính sách y tế… Ở đó, có vô số bình luận của khắp lượt đối tượng là công dân Mỹ.
Truyền thông xã hội là bước đơn giản để đưa chính sách đến người dân. |
Việc sử dụng Facebook của Tổng thống Mỹ là một ví dụ điển hình cho thấy mạng xã hội đã và ngày càng trở thành một công cụ ưu việt trong việc kết nối các nhân vật chóp bu với toàn thể người dân, đảm bảo các tiêu chí: nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn. Việc sử dụng đúng cách những công cụ mạng xã hội vào đúng thời điểm trong quá trình làm chính sách còn có thể mang lại những lợi ích to lớn trong bối cảnh truyền thông xã hội không ngừng lớn lên và lan rộng.
Theo bản báo cáo về mạng xã hội của tổ chức nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới về người sử dụng công nghệ số (GlobalWebIndex), thời gian sử dụng mạng xã hội của con người hiện đại đã lên đến con số 1,72 giờ. Các thông số nghiên cứu về về hành vi truyền thông chỉ ra con người ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet. Tổng thời gian truy cập Internet trên máy tính, laptop, di động và máy tính bảng tăng từ 5,55 giờ vào năm 2012 lên 6,15 giờ vào năm 2014. Và một trong những nhân tố vẫn đang trong quá trình tiếp tục tăng này là mạng xã hội, từ mức trung bình 1,61 giờ mỗi ngày lên 1,72 giờ, chiếm khoảng 30% lượng thời gian dành cho các hoạt động hàng ngày liên quan đến Internet.
Trên thực tế, năm 2012, đảo quốc Iceland đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi người dân cùng xây dựng hiến pháp mới, cụ thể là thông qua các kênh Facebook, Twitter, YouTube, và Flickr. Xuất phát từ đặc điểm vào thời điểm đó, 2/3 dân số Iceland sử dụng Facebook, các buổi họp hàng tuần của hội đồng soạn thảo dự thảo hiến pháp gồm 25 thành viên đều được phát sóng trực tiếp trên trang web cũng như trên mạng xã hội để công dân có thể theo dõi và trực tiếp tham gia vào quá trình tranh luận trực tuyến ngay tại thời điểm các hoạt động này đang diễn ra. Theo Reuters, trong khoảng thời gian 1 năm, công dân Iceland đã đưa ra khoảng 3.600 bình luận và 370 đề nghị về dự thảo hiến pháp. Những bình luận và đề nghị này sau đó được hội đồng trên tổng hợp và chỉnh sửa.
Vậy nếu lựa chọn truyền thông xã hội là một loại công cụ để hoạch định chính sách, các chính phủ cần tập trung vào điều gì? Thứ nhất, ngoài các cách thức truyền thống như thư từ, điện thoại…, các chính phủ cần bảo đảm truyền thông xã hội là một bộ phận không tách rời trong hoạt động của mình. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời đại số, các nước phải tập trung tiến tới xây dựng các không gian mở để công chúng đưa ra tiếng nói của bản thân, qua đó giúp các nhà làm luật hiểu được cơ hội cũng như rủi ro do những công cụ chi phí thấp này mang lại, và làm thế nào các công cụ này cùng song hành với các cơ chế làm việc truyền thống.
Hồi tháng 9, chuyện về cậu học sinh trung học Ahmed Mohamed bị bắt giữ vì đồng hồ tự chế mang tới trường bị hiểu nhầm là bom, sau đó được Tổng thống Mỹ thông qua mạng xã hội Twitter gửi lời mời đến thăm Nhà Trắng để khuyến khích tình yêu khoa học trong giới trẻ là một câu chuyện không thể thật hơn trong kỷ nguyên công nghệ số. Mọi người chợt nhận thấy hóa ra Tổng thống Mỹ cũng gần gũi và tốt bụng như một người hàng xóm trên Twitter nhà mình và tiếng nói của ai dù bé nhỏ đến thế nào, cũng sẽ được lắng nghe và thấu hiểu.