Ông cũng nhấn mạnh, phụ nữ là “nền tảng của xã hội” tại Saudi Arabia và “giữ vị trí quan trọng trong nền văn minh Hồi giáo”.
Hoàng tử Faisal Bin Abdullah. |
Tờ Gulf News trích dẫn trả lời phỏng vấn của Hoàng tử Faisal Bin Abdullah với đài truyền hình Rotana Khalijia tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia rằng: “Từ lâu nay phụ nữ bị cấm lái xe, nhưng trước đây phụ nữ đã từng điều khiển những con lạc đà của mình. Phụ nữ cần được trao quyền bởi họ đại diện cho hơn một nửa xã hội và độc lập cao”.
Hoàng tử Faisal Bin Abdullah từng đồng thời đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục của Saudi Arabia giai đoạn 2009 - 2013 cho rằng những thay đổi sẽ là “không tránh khỏi”. “Thay đổi phải bắt đầu từ bên trong và phụ nữ cần chứng tỏ sự thành công của bản thân cũng như ảnh hưởng tích cực của mình đối với xã hội”. Ông cũng tin rằng phụ nữ “có thể thành công khi họ có cơ hội”.
Vị Hoàng tử này khẳng định: “Tôi rất tự hào về phụ nữ Saudi Arabia. Họ là những người mẹ, người vợ, những cô con gái và tôi rất đỗi tự hào về họ và về đức tin, niềm tin cũng như cam kết của họ trong thời đại hiện nay của chúng ta. Phụ nữ Saudi Arabia là nền tảng của xã hội và họ giữ vị trí quan trong trong nền văn minh Hồi giáo”.
Ông Faisal Bin Abdullah không phải là thành viên đầu tiên của Hội đồng Hoàng tộc Saudi Arabia lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ quy định cấm lái xe đối với phụ nữ.
Trước đây, tháng 12/2016, một thành viên có ảnh hưởng thuộc gia đình Hoàng tộc Saudi Arabia, Hoàng tử Al-Waleed Bin Talal, cũng đã kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm trên bởi việc này khiến nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn mất đi hàng tỉ USD. Bin Talal, một người đã nhiều năm ủng hộ nữ quyền tại Saudi Arabia, cho rằng cần phải bỏ các hạn chế đối với phụ nữ vì sự cấp bách kinh tế cũng như quyền của phụ nữ. Ông Al-Waleed cho biết, hiện trung bình mỗi gia đình Saudi Arabia chi 1.000 USD (3.800 riyal)/tháng cho một tài xế.
Tuy nhiên, không phải mọi thành viên Hội đồng Hoàng tộc đều cùng có quan điểm tiến bộ này. Đầu năm 2016, Thái tử hàng kế vị thứ hai Mohammed bin Salman đã bác bỏ đề xuất sớm bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe và cho rằng Saudi Arabia chưa sẵn sàng cho việc này.
Hai phụ nữ Saudi Arabia bị kết án tù vì tội lái xe đã được trả tự do.
Saudi Arabia hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép phụ nữ lái xe và nhiều nhà hoạt động vì nữ quyền tại đây đã bị bắt giam do thách thức lệnh cấm. Mặc dù không có văn bản luật chính thức nào cấm phụ nữ lái xe tại đất nước cực kỳ bảo thủ này, nhưng do phụ nữ không được cấp giấy phép nên việc lái xe trở thành bất hợp pháp.
Nhiều giáo sĩ nổi tiếng của Saudi Arabia hiện vẫn kiên quyết phản đối phụ nữ lái xe. Năm 2016, đại giáo sĩ Abdulaziz bin Abdullah al-Sheikh tuyên bố, cho phép phụ nữ lái xe là một “vấn đề nguy hiểm và không được phép”. Năm 2013, giáo sĩ Saleh al-Lohaidan từng đưa ra tuyên bố gây chấn động khi cho rằng phụ nữ lái xe có nguy cơ bị tổn thương buồng trứng.
Tháng 12/2014, chính quyền Saudi Arabia bắt giữ 2 nhà hoạt động nữ quyền do phản đối lệnh cấm phụ nữ lái xe của nền quân chủ chuyên chế cực kỳ bảo thủ này. Hai người này đã bị ngồi tù ít nhất 72 ngày.
Từ lâu nay, phụ nữ Saudi Arabia cần sự cho phép của người giám hộ khi tham gia phần lớn các hoạt động hàng ngày, từ đi học hay xin việc đến mở tài khoản ngân hàng hoặc điều trị y tế.
Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, Riyadh đã công bố một số biện pháp cải cách, theo đó phụ nữ sẽ không cần sự chấp thuận của người đàn ông giám hộ khi sử dụng một số dịch vụ của nhà nước. Văn bản mới này được ban hành sau khi Riyadh, vốn liên tục bị chỉ trích do thiếu quan tâm nghiêm trọng đối với quyền của phụ nữ và bất bình đẳng giới, được bổ nhiệm vào Ủy ban Liên hợp quốc về Tình trạng của phụ nữ. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn chưa ban hành danh sách chính xác các dịch vụ phụ nữ có thể tham gia mà không cần xin phép người giám hộ.