Người phụ nữ này bị dân làng trói vào cây và ngược đãi khi cô bị quy cho là "phù thủy". |
Sau khi chạy trốn khỏi băng nhóm tấn công, Ganita trốn trong một khu rừng gần làng tại bang Orissa, một mình ở trong đó hàng giờ liền, ám ảnh trong tiếng kêu la thảm thiết của gia đình trước khi ngất lịm đi và được người đi đường tìm thấy, đưa đến đồn cảnh sát. Ngồi trong lán trại, Ganita bần thần kể lại vụ tấn công đã khiến cha mẹ và 4 người anh chị em thiệt mạng. Nhóm người “săn phù thủy” là những người cùng làng, họ cầm dao tấn công gia đình Ganita vì cho rằng mẹ cậu là phù thủy đã yểm bùa lây lan dịch bệnh cho trẻ em trong làng.
Cảnh sát cho biết đã có 10 đối tượng bị bắt giữ trong cuộc tấn công trên. Nhưng dường như Ganita không còn thiết quan tâm tới cuộc điều tra nữa. Không còn gia đình, mất tất cả, con đường tương lai của cậu bé trở nên tăm tối.
Đây là một trong nhiều vụ tấn công ghi nhận hàng năm về tình trạng mê tín dị đoan tại vùng quê Ấn Độ - nơi chính quyền địa phương bị lên án vì đã làm ngơ và thất bại trong việc giải quyết vấn đề.
Luật thôi chưa đủ
Chỉ tính trong năm 2014 trên khắp 13 bang Ấn Độ có đến 160 kẻ giết người liên quan đến hủ tục săn phù thủy. Con số đó vẫn cứ tăng đều hàng năm, với tổng số nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ, bị giết trong các vụ tấn công như thế lên tới hơn 2.300 người kể từ năm 2000.
Tháng 8 vừa qua, thế giới lại được một phen chấn động về hủ tục đáng sợ này khi đồng loạt các trang truyền thông quốc tế đăng tin 5 người phụ nữ Ấn Độ đã bị lôi ra khỏi nhà và bị đánh cho đến chết tại khu vực bang Jharkhand. 27 người đã bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ giết người. Theo điều tra, chuyện bắt nguồn từ việc các tay lang băm khẳng định chính những người phụ nữ đó đã yểm bùa gây ra một số cái chết của người trong làng.
“Suy nghĩ lạc hậu luôn cho rằng bệnh tật, mùa màng thất bát, động vật chết đều liên quan tới tâm linh, phù thủy hiện vẫn in sâu vào tiềm thức của người dân tại vùng quê Ấn Độ”, Bijay Kumar Sharma – một sĩ quan cấp cao ở Orissa giải thích.
Tại những vùng quê hẻo lánh, không có trung tâm y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho con người, bệnh nhân phải tìm đến các tay lang băm – những kẻ luôn đổ xằng nguyên do bệnh tật lên phép thuật hắc ám. Bên cạnh đó, việc săn phù thủy cũng được lợi dụng như một cái cớ để các dòng họ trả thù hay có tranh chấp đất đai. Thường những người phụ nữ là mục tiêu dễ bị tấn công nhất. Ngay khi bị kết tội, hội đồng trong làng cũng "góp phần" đưa ra các hình phạt tra tấn tàn bạo chẳng khác gì cái chết.
Năm ngoái, giới chức bang Orissa đã ban hành đạo luật nhằm giải quyết và giảm thiểu các vụ phạm tội liên quan đến việc săn phù thủy. Bang Assam, vùng đông bắc nước này, cũng đưa ra mức án tống giam và phạt hành chính cho tội danh tham gia các cuộc tấn công “phù thủy”. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng biện pháp ngăn chặn bằng luật là không đủ, cái chính là phải nâng cao nhận thức, giáo dục người dân tại những vùng đó đứng lên chống lại hủ tục lạc hậu, đẩy lui bạo lực. “Chính sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội như sức khỏe, luật pháp, nông nghiệp là căn nguyên cho việc vì sao con người lại trở thành nạn nhân cho những hủ tục trên”, nhà hoạt động nhân quyền Sashiprava Bindhanilên tiếng.