Đây cũng là ngày khánh thành tấm bia được đặt tại vị trí trước đây của Okjokull, ở phía Tây Iceland nhằm ghi nhớ về sự tồn tại về sông băng trên.
Sự kiện ngày 18/8 này có sự tham gia của Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir, cựu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Mary Robinson cùng sự góp mặt của hàng trăm nhà báo, nhà khoa học và người dân Iceland.
Thủ tướng Jakobsdottir hy vọng sự kiện này sẽ đánh động không chỉ người dân tại Iceland mà còn khắp thế giới về hậu quả biến đổi khí hậu.
Tấm bia nói trên có ghi dòng chữ "Bức thư gửi tương lai" và "415 ppm CO2" - lượng carbon dioxide kỷ lục đo được trong không khí vào tháng 5 vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức về sự sụt giảm của các sông băng và sự tác động của biến đổi khí hậu.
Việc dựng tấm bia này dường như muốn nhắc nhở cả thế giới rằng trong 200 năm tới, tất cả sông băng trên Trái Đất có nguy chịu chung số phận như Okjokull, do vậy, con người biết điều gì đang diễn ra và cần phải làm gì.
Theo Cymene Howe, giảng viên ngành nhân chủng học thuộc Đại học Rice, khoảng 1 tỷ tấn băng tại Iceland đã biến mất mỗi năm và điều này làm dấy lên nguy cơ hơn 400 sông băng tại nước này sẽ biến mất đến năm 2200. Các sông băng bảo phủ khoảng 11% diện tích lãnh thổ nước này.
Hồi năm 2014, các nhà khoa học cho rằng Okjokull không còn là sông băng theo đúng tính chất của nó, bởi sông băng này đã chết và không di chuyển. Báo cáo của Đại học Iceland cho thấy vào năm 1890, sông băng Okjokull bao phủ trên diện tích 16 km2, song đến năm 2012, diện tích của sông băng này chỉ còn 0,7 km2.
Để được công nhận là sông băng, khối lượng băng và tuyết phải đủ dày (khoảng 40 - 50m) để di chuyển bằng chính trọng lượng của nó.